Huyết áp cao có nên ăn bánh phồng tôm không?
Đối với người huyết áp cao, việc tiêu thụ bánh phồng tôm cần hết sức thận trọng.
Người huyết áp cao cần lưu ý khi ăn bánh phồng tôm. Ảnh: Kiều Vũ
Bánh phồng tôm là món ăn vặt được nhiều người ưa chuộng nhờ hương vị đậm đà, giòn ngon và tiện lợi. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh tăng huyết áp, việc tiêu thụ bánh phồng tôm cần hết sức thận trọng, bởi thành phần dinh dưỡng của món ăn này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch và huyết áp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng muối tiêu thụ khuyến nghị mỗi ngày là dưới 5g để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp. Trong khi đó, theo phân tích trong 100g bánh phồng tôm có thể chứa từ 1200–2000mg natri, tương đương khoảng 3–4g muối, tức chiếm đến 60–80% lượng muối tối đa mỗi ngày. Đây là mức rất cao, đặc biệt với người đã có nền huyết áp cao hoặc đang dùng thuốc điều trị.
Theo khuyến cáo, các thực phẩm chứa nhiều natri như đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán, bánh snack (trong đó có bánh phồng tôm) nên được hạn chế nghiêm ngặt ở người tăng huyết áp. Việc tiêu thụ nhiều natri làm tăng thể tích máu, dẫn đến tăng áp lực lên thành mạch và tim, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng cao huyết áp, nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Ngoài natri, bánh phồng tôm còn chứa nhiều chất béo bão hòa do được chiên ngập dầu. Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng huyết áp ở nhóm người trên 40 tuổi.
Từ các dẫn chứng trên, có thể thấy người bị huyết áp cao nên hạn chế hoặc tránh ăn bánh phồng tôm. Nếu muốn thưởng thức, nên chọn sản phẩm ít muối, không chiên sẵn và chỉ ăn với số lượng rất nhỏ.
Người huyết áp cao nên ưu tiên chế độ ăn ít natri, nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm chưa qua chế biến để kiểm soát huyết áp hiệu quả và bền vững.