Phát hiện bốn nhóm triệu chứng có thể dẫn tới bệnh Alzheimer
Nghiên cứu mới xác định bốn nhóm triệu chứng riêng biệt có thể dẫn đến Alzheimer, mở ra hướng tiếp cận mới trong chẩn đoán sớm và phòng ngừa bệnh.
Phát hiện bốn nhóm triệu chứng có thể dẫn tới bệnh Alzheimer. Đồ họa: Lý Linh
Một nghiên cứu mới từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã phát hiện bốn nhóm triệu chứng riêng biệt có khả năng tiến triển thành bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu này, công bố trên tạp chí eBioMedicine thuộc hệ thống THE LANCET Discovery Science, phân tích dữ liệu y tế của hơn 5.700 bệnh nhân và xác định gần 6.800 "con đường tiến triển" khác nhau dẫn đến căn bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến này.
Alzheimer là bệnh liên quan đến tuổi tác, khiến trí nhớ và khả năng giao tiếp suy giảm dần, cuối cùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh hoạt hàng ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết việc hiểu rõ các lộ trình phát triển bệnh, thay vì chỉ nhìn vào yếu tố rủi ro riêng lẻ, có thể giúp phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả hơn.
Bốn nhóm triệu chứng chính được xác định gồm:
Con đường sức khỏe tâm thần: Bắt đầu từ các vấn đề như trầm cảm, lo âu và có thể liên quan đến tăng huyết áp, tiểu đường type 2, hoặc rối loạn tiêu hóa trước đó. Nhóm này cho thấy những triệu chứng tâm thần có thể là tín hiệu sớm của Alzheimer.
Con đường bệnh não: Là tuyến phát triển “hung hăng nhất”, bắt nguồn từ các rối loạn mạch máu não, tiết niệu và một số bệnh lý thần kinh khác. Nhóm này tiến triển nhanh chóng đến Alzheimer và tăng nguy cơ tử vong.
Con đường suy giảm nhận thức nhẹ: Gắn liền với các vấn đề về trí nhớ và tư duy. Giai đoạn sớm có thể bao gồm mãn kinh ở nữ giới và rối loạn cương dương ở nam giới.
Con đường bệnh mạch máu: Tập trung vào các tình trạng ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não, liên quan đến đột quỵ và tổn thương thần kinh. Trước đó, người bệnh có thể có triệu chứng đau lưng, rối loạn khớp và mô mềm.
Khoảng 26% trong số các lộ trình tiến triển cho thấy có trình tự xuất hiện nhất quán – ví dụ, tăng huyết áp thường đi trước trầm cảm, và sau đó dẫn tới Alzheimer.
Tác giả chính, Phó giáo sư Timothy Chang (khoa Thần kinh học, UCLA), cho rằng việc xác định các mô hình tuần tự này sẽ giúp giới lâm sàng chẩn đoán chính xác và can thiệp sớm hơn.
Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Mingzhou Fu, người dẫn đầu phân tích: “Hiểu được các con đường dẫn tới Alzheimer không chỉ giúp dự đoán nguy cơ mà còn thay đổi cách tiếp cận trong phòng ngừa bệnh từ giai đoạn rất sớm”.