A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử phạt là giải pháp văn minh để ngăn ngừa bạo lực gia đình

Vụ hai vợ chồng ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bị xử phạt tổng cộng 22,5 triệu đồng vì xúc phạm nhau đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Xử phạt là giải pháp văn minh để ngăn ngừa bạo lực gia đình

Người phụ nữ ở Quảng Bình bị phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm chồng của mình. Ảnh minh họa bằng AI

Trước hết là yếu tố bất ngờ và khá hi hữu, khi cùng một vụ việc, nhưng cơ quan chức năng thành phố Đồng Hới lại ra 2 văn bản xử phạt hành chính khác nhau với số tiền phạt khác nhau và thông tin cho báo chí vào 2 thời điểm khác nhau.

Khởi đầu là văn bản xử phạt người vợ số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi xúc phạm chồng. Dư luận chưa hết “hân hoan” thì lại có tin người chồng hóa ra cũng bị phạt, với mức cao hơn là 12 triệu đồng với 2 hành vi đánh và xúc phạm vợ mình.

Vậy là cả nhà cùng bỏ tiền nộp ngân sách!

Bạo lực gia đình, cả hai cùng bạo lực lẫn nhau từ chân tay đến mồm miệng, “kẻ tám lạng người nửa cân”, như vừa xảy ra ở Quảng Bình là chuyện không có gì xa lạ ở Việt Nam.

Thậm chí, tỉ lệ nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình hiện đang tăng - như báo cáo của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5 mới đây.

Cũng tại báo cáo này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn số liệu của năm 2023 cho biết, tổng số người gây bạo lực gia đình trong năm là 3.208 người, trong đó nữ giới là 531 người, chiếm 16,6%.

Nhiều người cũng thấy bất ngờ với thông tin thành phố Đồng Hới ra quyết định xử phạt chuyện hai vợ chồng xúc phạm, đánh nhau.

Thực tế thì xử phạt là chuyện đã được quy định trong nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Và xử phạt, chỉ là một trong rất nhiều biện pháp xử lý bạo lực gia đình gồm: xử lý hình sự; cấm tiếp xúc; áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã/phường/thị trấn; góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư…

Chỉ là người dân, đặc biệt là các “tế bào xã hội” đến giờ vẫn chưa thấy quen lắm với hình thức xử phạt. Và trong thực tế thì việc xử phạt - như báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - cả nước trong năm 2023 cũng chỉ có 288 trường hợp/3.208 người có hành vi bạo lực với “bạn đời” và cả con cái mình.

Trong rất nhiều trường hợp, khi “tổ ấm” bị trở thành “đấu trường bạo lực” thì chính quyền địa phương là “phao cứu sinh” cuối cùng để người dân cầu cứu sự bảo vệ.

Nên xử phạt là giải pháp hay và văn minh, có tính răn đe cao, thể hiện sự nghiêm minh trong việc bảo vệ nhân phẩm, danh dự con người và an toàn của các thành viên gia đình, cần được khuyến khích áp dụng nhiều hơn nữa.

Để xảy ra bạo lực gia đình, thường nguyên nhân không chỉ đến từ một phía, nên cả hai cùng bị xử phạt - đánh mạnh vào túi tiền - như trường hợp ở thành phố Đồng Hới là hợp lý.

Đây là cách thể hiện sự công bằng và khách quan của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân đều cần tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong mối quan hệ gia đình!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan