Dự án nuôi chồn, bò giảm nghèo ở Cà Mau bị rút ruột từ chuồng trại đến vaccine
Dự án nuôi chồn hương, bò sữa nhằm giúp dân giảm nghèo bền vững ở Cà Mau, nhưng bị xà xẻo từ tiền tiêm phòng vaccine đến thức ăn, chuồng trại...
Dự án nuôi chồn, bò giảm nghèo ở Cà Mau bị xà xẻo từ thức ăn đến chuồng trại. Ảnh: Nhật Hồ
Người dân nuôi chồn, cán bộ được lợi
Dự án nuôi chồn sinh sản và thương phẩm năm 2023 (thực hiện năm 2024) tại phường Tân Thành (cũ) có tổng kinh phí 672 triệu đồng (ngân sách hỗ trợ 370 triệu đồng, còn lại vốn đối ứng). Quy mô thực hiện 44 con với 11 hộ tham gia. Thời gian triển khai dự án từ tháng 11.2023 đến 11.2025.
Thực hiện dự án, thay vì cấp tiền cho dân để mua con giống, vật tư theo đề án được duyệt thì UBND phường Tân Thành (cũ) đứng ra làm thay. Điều đáng nói, dự án được duyệt chọn con giống 8 tháng tuổi, trọng lượng từ 1kg - 1,5kg, nhưng phường mua chồn con chỉ mới 2 tháng tuổi cấp cho dân.
Giá trị vật tư làm lồng nuôi chồn cấp cho dân gần 33 triệu đồng nhưng ông Phan Minh Thúy - Chủ tịch Hội Nông dân xã - yêu cầu bên bán ghi hóa đơn 50,6 triệu đồng. Số tiền chênh lệch 17.786.000 đồng, ông Thúy trả tiền công làm lồng nuôi chồn 8.800.000 đồng (400.000 đồng/cái lồng 2 ngăn), số còn lại 8.986.000 đồng ông giữ lại.
UBND phường Tân Thành không chi tiền xăng, văn phòng phẩm và in tài liệu cho Ban quản lý dự án nhưng kế toán lập chứng từ thanh toán số tiền trên 13 triệu đồng. Số tiền này ông Phan Minh Thúy nhận sau đó chi “bồi dưỡng” cho thành viên Ban chỉ đạo khoảng 9 triệu đồng, giữ lại 4 triệu đồng để làm chi phí đi kiểm tra các hộ nuôi chồn.
Điều đáng nói, vị cán bộ Hội Nông dân này không mua vaccine cấp cho người dân nhưng “thỏa thuận miệng” với chủ cửa hàng thuốc thú y và chuyển sang mua loại thuốc khác cấp cho dân và cũng không có hồ sơ chứng từ chứng minh… Hiện trong số 11 hộ tham gia dự án thì 3 hộ có chồn bị chết (1 hộ chết 2 con, 1 hộ chết 3 con, 1 hộ chết hết 4 con).
Tiền hỗ trợ người dân vào tay cán bộ
Tại xã Hòa Tân, thành phố Cà Mau (cũ), dự án được duyệt cho 5 hộ nuôi 10 con chồn với tổng số tiền trên 181 triệu đồng. Kinh phí thực hiện 100 triệu đồng (đã quyết toán), trên 81 triệu đồng vốn đối ứng của dân. Phần dự án hỗ trợ thuốc thú y và vaccine để nuôi chồn trên 35 triệu đồng, xã Hòa Tân không mua cấp cho dân mà cùng với một hộ kinh doanh ký hợp đồng kinh tế để rút hết số tiền này. Điều đáng nói, hộ kinh doanh chỉ đưa lại cho ông Nguyễn Văn Hải - nguyên thủ quỹ UBND xã Hòa Tân, nay là cán bộ thú y - 20 triệu đồng, còn lại 15 triệu đồng trừ vào tiền mua lồng (3.000.000 đồng/lồng 3 ngăn).
Theo dự án, lồng, chuồng trại là phần đối ứng của dân, nhưng thấy người dân không có tiền mua lồng nên xã làm thay rồi quyết toán vào kinh phí do Nhà nước hỗ trợ. Thanh tra xác minh, tại 5 hộ nuôi chồn có ký nhận tiền hỗ trợ thức ăn, tiền thuốc mỗi người 4 triệu đồng nhưng chỉ có 1 hộ nhận, còn lại xã giữ.
Cũng tại xã Hòa Tân, với dự án nuôi bò (3 hộ, mỗi hộ 2 con), ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ thú y xã không mua vaccine lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Khi làm thủ tục thanh toán, dư khoản tiền mua hai loại vaccine nói trên 4.800.000 đồng, ông Hải giữ lấy. Hiện tại 3 hộ nuôi thì 2 hộ nuôi xin trả bò cho xã bán lấy tiền trả lại dự án 12 triệu đồng.
Tại xã An Xuyên, dự án nuôi bò (9 hộ, mỗi hộ nhận 2 con bò) thì cả 9 hộ chỉ nhận bò mà không nhận bất cứ tiền hỗ trợ thuốc, thức ăn. Số tiền này (hơn 65 triệu đồng) được bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy - Phó Chủ tịch UBND xã - nhận rồi để đó. Phát hiện số tiền này là sai quy định, bà Thùy nộp vào tài khoản tiền gửi của UBND xã An Xuyên, nhưng lại ghi là tiền thu hồi 20% của dự án.
Hiện tại 2 hộ đã bán hết số bò nhận nuôi; 1 hộ có một con thường hay bệnh, không phát triển. Khi phát hiện vi phạm, Thanh tra tỉnh Cà Mau kiến nghị cấp thẩm quyền tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, kiến nghị Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị; đặc biệt là UBND các xã, phường thực hiện tốt hơn nữa các Chương trình MTQG.
Giai đoạn 2023-2024, UBND thành phố Cà Mau (cũ) được giao kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ với tổng số tiền trên 23 tỉ đồng.