A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh

Tính đến ngày 31/3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

cn-ubcs.jpg

Thông tin được ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đưa ra tại Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD liên quan đến Tài chính xanh” diễn ra sáng ngày 15/7.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, biến đổi khí hậu đang là thách thức toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã và đang ưu tiên các giải pháp ứng phó, trong đó tài chính xanh nổi lên như một động lực then chốt. Trong tiến trình này, các tổ chức tín dụng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế, các ngân hàng và tổ chức tín dụng có tiềm năng to lớn trong việc định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển xanh, từ năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, đến các dự án tiết kiệm năng lượng và xử lý chất thải.

Dẫn số liệu từ NHNN, ông Trần Phương cho biết, tính đến ngày 31/3/2025 đã có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.

“Nhận thức rõ vai trò tiên phong để đồng hành cùng các mục tiêu phát triển trọng yếu của đất nước, theo quan sát của Ủy ban Chính sách, các ngân hàng thương mại đã nghiêm túc triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng theo Quyết định 1604 của NHNN, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, triển khai đầy đủ hiệu quả Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường; cũng như NHNN phối hợp cùng IFC xây dựng Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng”, ông Trần Phương Phát biểu.

quang-canh-2.jpg

Khẳng định thời gian qua, các TCTD đều xây dựng nhiều giải pháp thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, ông Trần Phương đã chỉ ra một số kết quả và định hướng cụ thể, gồm:

Thứ nhất, xây dựng được Chiến lược phát triển giai đoạn 2021–2030 theo định hướng, kế hoạch của ngành Ngân hàng; chủ động xây dựng chính sách kiểm soát, hạn chế dần việc cấp tín dụng với các ngành phát thải cao; đồng thời, có cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, tỷ giá, dịch vụ tài chính để tăng tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực tín dụng xanh; đặc biệt, xây dựng khung tài chính bền vững tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cấp tín dụng, huy động vốn và quản lý rủi ro môi trường – xã hội.

Thứ hai, các TCTD đã đẩy mạnh huy động vốn phục vụ các hoạt động tín dụng xanh. Cụ thể, về phát hành trái phiếu ESG, BIDV, Vietcombank và một số TCTD khác đã rất tích cực triển khai, từ đó, có điều kiện triển khai cho các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, công trình xanh, nhà ở xã hội - góp phần lan tỏa các giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp.

Về tín dụng xanh, các TCTD cũng tích cực tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh.

Thứ ba, các TCTD đã tăng cường mở rộng hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để huy động nguồn vốn ưu đãi phục vụ phát triển bền vững, tiêu biểu như: ADB, AFD...

Thứ tư, các TCTD không ngừng nâng cao năng lực thể chế, hoàn thiện quy trình nội bộ liên quan đến quản lý tín dụng xanh, rủi ro môi trường - xã hội.

Trong việc thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN, các TCTD đã rất tích cực học hỏi các mô hình quản lý rủi ro tín dụng xanh, quản lý tài chính từ các định chế tài chính hoạt động tại Việt Nam.

Thứ năm, các TCTD đã thành lập Ban Quản lý dự án Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG với chức năng nghiên cứu, tích hợp quản lý rủi ro môi trường - xã hội vào hệ thống quản trị rủi ro chung và đầu tư phát triển các phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ đánh giá, giám sát.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết