A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM: Thực phẩm đường phố chưa an toàn

Để tăng cường đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố trên địa bàn, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người kinh doanh thức ăn đường phố bằng nhiều hình thức; giám sát việc triển khai kế hoạch cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại quận - huyện...

Trong năm 2019, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra 17.868/19.353 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chiếm 92,3%. Số cơ sở vi phạm là 6.152/17.868 cơ sở, chiếm tỷ lệ 34,4%. Theo đó, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở 6.388 cơ sở, chiếm 35,75%; xử lý 583 cơ sở vi phạm chiếm 9,4%; lực lượng chức năng đã cảnh cáo 280 cơ sở (chiếm 48%) và xử phạt 199 cơ sở, chiếm 34,1% với số tiền bị xử phạt là 168 triệu đồng. 32 cơ sở bị buộc phải tiêu hủy sản phẩm. Trong số cơ sở bị kiểm tra, nhiều cơ sở có nơi kinh doanh chưa cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm... chiếm 9,7%); Thức ăn bày bán chưa để cao cách mặt đất ít nhất 60 cm chiếm 7,4%; Thức ăn chưa được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa nắng và các loại côn trùng, động vật khác... chiếm 12,1%; Thậm chí các cơ sở kinh doanh không có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ, găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín chiếm 12,7%.

TP. HCM tiếp tục thắt chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo thống kê, có đến 5.881 trường hợp người kinh doanh thực phẩm đường phố chưa được khám sức khỏe chiếm 95,6% trên tổng số cơ sở vi phạm và 3.974 cơ sở người kinh doanh thực phẩm đường phố chưa được xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Điều đáng nói là một số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm với nồng độ formon (2/431 mẫu kiểm tra không đạt), hàn the (115/1.782 mẫu kiểm tra), dư lượng thuốc trừ sâu 9/44 mẫu kiểm tra không đạt...

Ông Lê Minh Hải, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, nguyên nhân việc nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố chưa đạt yêu cầu là do công tác quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố do tuyến phường - xã đảm trách nhưng chưa có cán bộ chuyên trách mà chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên ngành và thường xuyên thay đổi nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý và tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử phạt hành chính trong kinh doanh thức ăn đường phố có được thực hiện nhưng chưa triệt để, chỉ dừng lại mức cảnh cáo, nhắc nhở, chưa có chế tài mạnh để xử lý các đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các hộ kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động trong một thời gian ngắn và không cố định trên địa bàn, người kinh doanh thức ăn đường phố đa số là hộ nghèo, nên thiếu trang thiết bị, chưa chấp hành đầy đủ theo quy định về an toàn thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn mang tính tạm thời, không cố định, thiếu đầu tư...

Ngoài ra, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm còn do chưa được cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm; sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc; điều kiện vệ sinh môi trường, nơi chế biến và trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo... Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đưa ra một nguyên nhân nữa là do ý thức của người tiêu dùng chưa cao trong quá trình ăn uống tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (vứt rác bừa bãi, không vứt rác vào các thùng rác đã được trang bị...).

Để tăng cường đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố trên địa bàn, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người kinh doanh thức ăn đường phố bằng nhiều hình thức; giám sát việc triển khai kế hoạch cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại quận - huyện. Cùng với đó là vận động xã hội hóa hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời, vận động người kinh doanh thức ăn đường phố tự trang bị các dụng cụ hỗ trợ kinh doanh; hỗ trợ việc xử lý rác thải và cung cấp nguồn nước sạch cho khu kinh doanh thức ăn đường phố tại địa phương... “Cần trang bị cho các phường, xã thí điểm các thiết bị kiểm tra, giám sát nhanh các chỉ tiêu hóa học (hàn the, formol, độ sạch dụng cụ...) đối với kinh doanh thức ăn đường phố”, ông Liêm chỉ đạo.

Ngọc Hậu

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan