A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm 2024 đạt trên 7%

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những tháng cuối năm 2024, Chính phủ tiếp tục quyết tâm, nỗ lực giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội  năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại phiên họp của Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024). Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến ngày 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”,“làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”; hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm...

Đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển

Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu NSNN tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.

Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Chính phủ xác định các chỉ tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoáng 4.900 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,4%...

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình mang tính kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, quốc tế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng...

Trong năm 2025, Chính phủ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, bảo đảm thủ tục thông thoáng, tăng khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%. Tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN; quản lý chặt chẽ, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn, hợp lý, tận dụng dư địa để huy động thêm nguồn lực cho phát triển.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác được Chính phủ đề ra trong năm 2025 là đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ chồng chéo, bất cập; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi; nghiên cứu ban hành nghị quyết thí điểm với những vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp.

Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu... Nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc theo quy mô quy hoạch; đưa vào khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; hoàn thành các hạng mục chính của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu. Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá, những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Báo cáo của Chính phủ. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả, lạm phát, xu hướng hạ lãi suất, giảm thắt chặt tiền tệ để chủ động có giải pháp phù hợp; bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện bất định. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá...


Tác giả: Trần Huyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan