A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho ý kiến về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP

Theo đó, Kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết số 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Với Kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3 - 8,5%), Bộ Tài chính ước tính nếu tăng trưởng quý III đạt 8,9 - 9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6 - 0,9%); quý IV đạt 9,1 - 9,5% (cao hơn kịch bản 0,7 - 1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD. Các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Cũng theo Bộ Tài chính, cùng với việc khai thác cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, đầu tư tiếp tục được xác định là động lực chủ yếu, còn nhiều dư địa, tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa, giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm 2025; đồng thời hình thành và phát triển năng lực sản xuất mới, không gian mới, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Tương ứng với 2 kịch bản trên, Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. “Các kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, hiện Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn hơn, vượt mọi khó khăn, thách thức thực hiện cao hơn mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2026 và các năm tiếp theo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2 (8,3 - 8,5%), tạo đà cho tăng trưởng tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP. Hồ Chí Minh 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.

Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2026, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2026 đạt 10% trở lên.

Về giải pháp cho kịch bản tăng trưởng, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 205/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng… để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% năm 2025 và từ 10% trở lên năm 2026.

Đồng thời, trong thúc đẩy đầu tư, cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm là khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700 nghìn tỷ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024 (khoảng 152,7 nghìn tỷ đồng).

Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD. Cùng với đó, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, nhất là các dự án lớn…

Về giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu giải ngân vốn hằng tháng đến từng chủ đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh của từng dự án. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III đạt 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2025 đạt 100% kế hoạch.

Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh về việc cần thúc đẩy tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước; tăng cường xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa với các nước, tạo các động lực tăng trưởng mới…


Tác giả: Nguyệt Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết