Liên Hợp quốc công bố báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2025
Bất chấp khó khăn và thách thức triền miên, kinh tế toàn cầu vẫn tỏ ra bền vững và cuối cùng đã hồi phục trở lại sau các cú sốc, lạm phát giảm dần và tăng trưởng kinh tế ổn định.
Xung đột, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khi hậu tăng cao đang đe dọa kinh tế thế giới.
Trong khi đó, còn thiếu công bằng trong việc chia sẻ thành quả phục hồi kinh tế. Tại nhiều nước đang phát triển, nhất là đối với các nước chậm phát triển, thu nhập không theo kịp lạm phát, nền tài chính công cạn kiệt nhưng khó cải thiện, nợ nần chồng chất.
Kinh tế trầm lắng trong bối cảnh bất ổn triền miên
Trong suốt năm 2024, kinh tế thế giới khá vẫn bền vững và tránh được suy thoái, bất chấp các cú sốc kéo dài trong nhiều năm. Trong ngắn hạn, kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn ổn định ở mức thấp, lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tổng cầu tại nhiều nước.
Tuy nhiên, xung đột vũ trang kéo dài và căng thẳng địa chính trị tăng cao đang trầm trọng thêm các thách thức về phía cung. Trong đó, khó khăn tài khóa triền miên và gánh nặng nợ nần tại nhiều nước đang phát triển sẽ tiếp tục kiềm chế khả năng đầu tư để tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh như vậy, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,8% trong năm 2025 và 2,9% trong năm 2026, thay đổi không đáng kể so với kết quả tăng 2,8% trong năm 2023 -2024.
Trong đó, triển vọng GDP p hục hồi nhẹ tại Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Anh và tốc độ phát triển tăng cao tại một số nước đang phát triển hàng đầu như Ấn Độ và Indonesia sẽ bù đắp xu hướng giảm tốc kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều nước thu nhập thấp và dễ bị tổn thương vẫn chìm trong khó khăn kinh tế ngắn hạn. Kinh tế các nước nghèo được dự báo sẽ cải thiện nhẹ vào năm 2025, nhưng giảm so với dự báo đưa ra tại báo cáo giữa năm 2024.
Mặc dù tiếp tục mở rộng, nhưng kinh tế toàn cầu sẽ tăng thấp hơn so với kết quả tăng trung bình hàng năm 3,2% trong giai đoạn 2010-2019. Kinh tế trầm lắng phản ánh những thách thức cơ cấu hiện nay như đầu tư yếu, năng suất giảm, nợ nần chồng chất, và áp lực nhân chủng học.
Nhiều nước đang phát triển vẫn đang vật lộn với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và những cú sốc gần đây. Trong xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh và đổi mới công nghệ, lợi ích sẽ dồn về các nước phát triển (AEs) và tình hình các nước đang phát triển sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển đang vấp phải những rào cản trong việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, và phát triển nguồn nhân lực, cải thiện các chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ.
Tăng trưởng kinh tế thế giới và tổng sản phẩm quốc nội
Rủi ro tăng trưởng thấp vẫn đeo bám trong ngắn hạn, mặc dù không gay cấn như trong năm 2023 nhờ các lĩnh vực kinh tế chủ chốt ghi nhận những tiến triển tích cực trong năm 2024.
Xu hướng thuận lợi bao gồm, lạm phát tại các nền kinh tế hàng đầu tiếp tục giảm và các AEs chủ chốt tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Trái lại, bất ổn vẫn bao trùm triển vọng kinh tế ngắn hạn, lạm phát giảm dần nhưng chậm hơn kỳ vọng do giá nhà ở và dịch vụ tại AEs vẫn đứng ở mức cao.
Nếu áp lực lạm phát tăng trở lại, các NHTW sẽ lùi tiến độ giảm lãi suất, và mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn trước đại dịch. Chi phí vay vốn ở mức cao và nợ nần sẽ kéo dài, trầm trọng thêm mức độ tổn thương tại các nước đang phát triển đang gặp khó khăn về nợ nần.
Kinh tế các nước phân hóa rõ rệt
Với dự báo tăng 2,8% trong năm 2024, kinh tế Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng nhờ tiêu dùng và đầu tư của người không cư trú tăng cao. Tuy nhiên, GDP sẽ giảm xuống mức tăng 1,9% trong năm 2025, trước khi tăng trở lại 2,1% trong năm 2026 trong bối cảnh thị trường lao động yếu ớt, thu nhập tăng thấp, chi tiêu công giảm.
Trong khi các động thái giảm lãi suất tiếp theo sẽ hỗ trợ nền kinh tế, lạm phát lõi cứng nhắc sẽ buộc NHTW Mỹ phải thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ.
Trái lại, kinh tế châu Âu được dự báo sẽ tăng dần trong năm 2025 và 2026, sau khi giảm thấp hơn so với kỳ vọng trong năm 2024. Tại EU, GDP được dự báo tăng từ kết quả tăng 0,9% trong năm 2024 lên 1,3% trong năm 2025 và 1,5% trong năm 2026.
Lạm phát giảm thấp, điều kiện tài chính nới lỏng và thị trường lao động bền vững được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, yêu cầu củng cố tài khóa, bất ổn địa chính trị, thách thức cơ cấu dài hạn như dân số già hóa và năng suất thấp sẽ cản trở tốc độ mở rộng kinh tế.
Kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi, với GDP được dự báo tăng từ kết quả âm 0,2% trong năm 2024 lên 1,0% trong năm 2025 và 1,2% trong năm 2026.
Xu hướng tăng tiêu dùng tư nhân đã chững lại từ giữa năm 2023, do mức lương tăng thấp, nhưng được dự báo sẽ phục hồi dần nhờ đầu tư vẫn bền vững. NHTW Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề nan giải, do chính sách tiền tệ thắt chặt quá mức đang xói mòn tiềm năng tăng trưởng lương mặc dù mới le lói phục hồi, có thể đẩy đất nước trở lại thời kỳ giảm phát.
Tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Georgia, GDP được dự báo giảm từ kết quả tăng 4,2% trong năm 2024 xuống mức tăng 2,5% trong năm 2025, do kinh tế Nga sẽ giảm tốc.
Thiếu hụt lao động và chính sách tiền tệ thắt chặt triền miên sẽ đẩy kinh tế Nga xuống mức tăng trưởng thấp, mặc dù vẫn nằm trong quỹ đạo tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và chi tiêu tài khóa tiếp tục mở rộng, nhất là chi tiêu quốc phòng.
Triển vọng kinh tế khu vực vẫn u ám do hàng loạt rủi ro và bất ổn bắt nguồn từ cuộc chiến tại Ukraine và căng thẳng địa chính trị rộng khắp.
GDP giảm tốc tại Trung Quốc và phục hồi nhẹ tại nhiều nước đang phát triển
Trung Quốc đối mặt với xu hướng giảm tốc kinh tế, với GDP được dự báo giảm nhẹ từ kết quả tăng 4,9% trong năm 2024 xuống 4,8% trong năm 2025. Trong đó, đầu tư công và xuất khẩu tăng cao sẽ bù đắp một phần khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu yếu ớt.
Chính phủ Trung Quốc đang mở rộng chính sách hỗ trợ để phục hồi thị trường nhà đất và xử lý những khó khăn về nợ nần tại chính quyền địa phương các cấp, thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Kinh tế châu Phi được dự báo sẽ củng cố từ kết quả tăng 3,4% trong năm 2024 lên 3,7% trong năm 2025 và 4,0% trong năm 2026, nhờ các nền kinh tế lớn trong khu vực sẽ phục hồi. Trong khi kinh tế Đông Phi vẫn tăng vững, Trung Phi được cho là sẽ tụt lại phía sau do sản xuất dầu đình trệ và bất ổn chính trị.
Mặc dù có một vài tiến triển tích cực, các thách thức lớn vẫn kéo dài, bao gồm gánh nặng nợ nần, thất nghiệp cao, và biến đổi khí hậu. Tại một số nước, lạm phát vẫn tăng trên 10%.
Hoạt động thương mại vẫn trầm lắng, mặc dù các nước đã tăng cường hội nhập thông qua cơ chế Thương mại Tự do châu lục (AfCFTA), thu nhập tăng thấp tiếp tục trầm trọng thêm xu hướng bần cùng hóa.
Tại Đông Á, GDP được dự báo giảm nhẹ từ kết quả tăng 4,8% trong năm 2024 xuống 4,7% trong năm 2025 và 4,5% trong năm 2026. Trong đó, tiêu dùng tư nhân tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng, nhờ thị trường lao động bền vững và lạm phát thấp tại hầu hết các nước.
Nhu cầu về các sản phẩm điện tử liên quan đến trí tụê nhân tạo tăng cao trên toàn cầu đã hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, rủi ro tăng trưởng thấp vẫn đeo bám trong bối cảnh rủi ro bao trùm. Bao gồm, bất ổn địa chính trị, căng thẳng thương mại, kinh tế các nước đối tác thương mại chủ chốt giảm tốc.
Bức tranh kinh tế ngắn hạn tại Nam Á vẫn bền vững, với GDP được dự báo tăng 5,7% trong năm 2025 và 6,0% trong năm 2026, nhờ kinh tế Ấn Độ tăng cao và kinh tế một số nước khác phục hồi.
Kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng 6,6% trong năm 2025, chủ yếu nhờ tiêu dùng tư nhân và đầu tư tăng vững. Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài yếu ớt, thách thức nợ nần triền miên, rối loạn chính trị và xã hội tại một số nước có thể kìm hãm triển vọng kinh tế khu vực.
Kinh tế Tây Á được dự báo sẽ củng cố từ kết quả tăng 2,0% trong năm 2024 lên 3,5% trong năm 2025, nhờ kinh tế cải thiện tại Arập Xê út và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Tương tự, GDP tại các nước xuất khẩu dầu trong khu vực cũng tăng cao trong năm 2025, nhờ OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Trái lại, xung đột vũ trang, lạm phát cao kéo dài và dư địa tài khóa hạn hẹp sẽ gây tác động tiêu cực đến các nước nhập khẩu dầu trong khu vực.
Triển vọng kinh tế Mỹ Latinh và Caribe cải thiện nhẹ, với dự báo GDP sẽ tăng từ kết quả tăng 1,9% trong năm 2024 lên 2,5% trong năm 2025, nhờ tiêu dùng tư nhân cải thiện, chính sách tiền tệ nới lỏng, và xuất khẩu tăng vững.
Lạm phát trong khu vực giảm dần, nhưng vẫn cao tại một số nền kinh tế, thu nhập theo đầu người đình trệ trong thập kỷ qua đã cản trở các nỗ lực giảm nghèo và bất bình đẳng trong khu vực.
Kinh tế các nước thu nhập thấp (LDCs) được dự báo tăng từ kết quả tăng 4,1% trong năm 2024 lên 4,6% trong năm 2025, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng bền vững 7,0%.
Tương tự, kinh tế các nước nội lục được dự báo tăng từ kết quả tăng 4,7% trong năm 2024 lên 4,9% trong năm 2025, do giá dầu ổn định sẽ kiềm chế đà tăng chi phí vận chuyển.
Trái lại, GDP tại các quốc đảo nhỏ (SIDS) được dự báo giảm tốc từ kết quả tăng 3,8% trong năm 2024 xuống mức tăng 3,4% trong năm 2025, do xu hướng phục hồi ban đầu về hoạt động du lịch giảm dần.