A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để sản phẩm OCOP luôn được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay có 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP của trên 650 chủ thể tham gia, trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.

Vượt mục tiêu đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trước một năm

So với các địa phương lân cận, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Hiện nay, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, trong đó có 331 làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân thành phố công nhận. Đây chính là tiềm năng to lớn để Hà Nội đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP.

Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2021-2023 đã đánh giá được 1.657 sản phẩm, đạt 82,9% mục tiêu của cả nhiệm kỳ (mục tiêu đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” là 2.000 sản phẩm). Với số lượng 1.657 sản phẩm OCOP đã đạt 82,9% (còn thiếu 343 sản phẩm để đạt mục tiêu 2.000 sản phẩm).

Năm 2024, các quận, huyện, thị xã đăng ký đánh giá, phân hạng 510 sản phẩm. Như vậy, đến hết năm 2024, số lượng sản phẩm OCOP sẽ đạt vượt mục tiêu chương trình đề ra trước một năm.

Để sản phẩm OCOP luôn được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận

Tính lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP

Các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thị trường các nước trên thế giới, như: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai); miến dong Minh Dương của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức); gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ), sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì, rau Văn Đức (Gia Lâm)...

Về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến hết năm 2023 đã có 10 trung tâm của 8 huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức và quận Hà Đông. Năm 2024, thành phố lên kế hoạch công nhận từ 5 - 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Việc phát triển các Điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống phân phối của thành phố; đồng thời, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng tới các địa phương khác trong cả nước.

Tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, thời gian qua, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội đã khai thác lợi thế này để phát triển sản phẩm OCOP.

Song song với công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, giúp các doanh nghiệp, đơn vị kết nối sản phẩm OCOP với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các siêu thị, cửa hàng... trên địa bàn thành phố Hà Nội; giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của thị trường.

Với dân số hơn 10 triệu người và thường xuyên có nhiều du khách ghé thăm, thị trường Hà Nội có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm OCOP.

Nhiều sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP

Các chủ thể OCOP sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu...

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội là “đất trăm nghề”. Các sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống của Hà Nội được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ và truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay của mảnh đất kinh kỳ, văn hóa xứ Đoài. Hà Nội còn có 1.136 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Hà Nội cũng có hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code, cùng với đó là hàng trăm sản vật nức tiếng như gà Mía Sơn Tây, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai),... Đó là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đã và đang được khai thác trong Chương trình OCOP của Hà Nội. Những đặc sản này được “gắn sao” OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố xác định đưa Chương trình OCOP về đích sớm 1 năm so với kế hoạch của cả giai đoạn 2021 - 2025. Muốn làm được điều này, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại sản phẩm đã hết thời hạn; hỗ trợ chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, bảo vệ và phấn đấu để OCOP luôn là thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến, tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan