A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cần câu” giúp người dân An Giang ổn định cuộc sống

Trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở tỉnh An Giang mới, những đồng vốn tín dụng chính sách từ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã thực sự trở thành “cần câu” hữu ích, giúp nhiều gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Từ đô thị đến các vùng nông thôn, vùng biển hay miền núi, nguồn vốn ưu đãi này đang từng ngày thay đổi diện mạo đời sống người dân, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững ở địa phương…

Thực tế minh chứng từ khi có chương trình cho vay giảm nghèo, giải quyết việc làm nhiều người dân trên địa bàn đã có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và đẩy lùi “tín dụng đen”. Tín dụng chính sách gắn với các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần tích cực vào việc giảm nghèo bền vững ở địa phương.

nhcsxh(1).jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 cho thấy, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách (cho vay hộ cận nghèo, hộ nghèo, học sinh sinh viên...) đến cuối tháng 5/2025, của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh An Giang mới đạt 12.607 tỷ đồng.

Nhờ có vốn trong tay, các hộ nghèo mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh và nuôi thêm bò, heo, gà... Từ đó, cuộc sống dần khấm khá hơn. Mỗi năm hộ gia đình tích lũy được hơn 100 triệu đồng. Các con em trong hộ gia đình cũng có điều kiện học hành đàng hoàng, trưởng thành từ những đồng vốn này.

Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, tại các địa phương trên địa bàn, công tác tuyên truyền chính sách vay vốn luôn được chú trọng. Hàng tháng, các buổi họp giao ban giữa NHCSXH và các hội đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… được tổ chức đều đặn nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; đồng thời giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân…

Qua đó cho thấy, nhờ đồng hành cùng các chương trình khuyến nông, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, nhiều hộ vay vốn không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Người nghèo cũng dần thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm.

NHCSXH tỉnh An Giang mới đã xác định chương trình cho vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng giúp người dân có thêm “cần câu” sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Bởi vậy, ngân hàng đã tham mưu cho các cấp chính quyền cơ sở bổ sung nguồn vốn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội để quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay. Đặc biệt, việc củng cố vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn được NHCSXH tỉnh coi trọng nhằm đảm bảo đồng vốn đến đúng người, sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất. Các tổ chức đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chủ động tìm kiếm cơ hội vươn lên từ chính nội lực của mình.


Có thể thấy, hiệu quả của chương trình cho vay giải quyết việc làm ở An Giang không chỉ dừng lại ở những con số giải ngân mà còn hiện hữu trong những khu vườn, mảnh ruộng trù phú, những mô hình kinh tế nhỏ lẻ phát triển mạnh mẽ, những gia đình đổi đời từ bàn tay lao động cần mẫn. Những “cần câu” từ đồng vốn ưu đãi đang từng ngày nuôi dưỡng ước mơ vươn lên của người dân, tạo nên những làng quê yên bình, no ấm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở xứ sở quê hương.


Để duy trì hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong giai đoạn tới, NHCSXH tỉnh An Giang mới tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách; triển khai Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; giữ vững tổ chức hoạt động điểm giao dịch xã, bố trí nơi làm việc phù hợp cho tổ giao dịch và khách hàng vay vốn.

Qua thực tế triển khai, tín dụng chính sách xã hội tại An Giang không chỉ là công cụ tài chính, mà còn là điểm tựa bền vững cho người dân yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Hiệu quả rõ rệt qua từng con số, từng câu chuyện thành công là minh chứng sống động cho tính đúng đắn, nhân văn và hợp lòng dân của chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra từ năm 2002 đến nay.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết