Ca cao tăng giá, cây giống cháy hàng nhưng vẫn còn đó nỗi lo trồng - chặt
Giống cây ca cao đang cháy hàng do nhu cầu tăng mạnh. Giữa cơn sốt, người dân cần thận trọng, bởi vòng xoáy trồng - chặt từng xảy ra trong quá khứ.
Giống cây ca cao đang khan hiếm. Ảnh: Thanh Quỳnh
Giống cây ca cao đang... cháy hàng
Đắk Lắk đang vào mùa trồng cây. Bên cạnh giống cà phê, cây ca cao cũng được nhiều nông dân tìm mua do giá tăng kỷ lục thời gian qua, có thời điểm lên tới 260.000 đồng/kg - mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Ea Na) có 1,8ha ca cao đang trong thời kỳ kinh doanh cho biết, năm nay, giá cao nhất trong nhiều năm. Nhờ thời tiết thuận lợi, cây ít sâu bệnh, cho quả chi chít từ gốc đến ngọn. Trung bình 1ha cho khoảng 2,5 tấn hạt.
Giá ca cao tăng cao kéo theo nhu cầu cây giống tăng mạnh. Nhiều nông dân muốn trồng nhưng không tìm được giống.
Ông Hồ Văn Nam (phường Ea Kao) cho biết, ông muốn trồng 0,5ha ca cao nhưng gọi nhiều nơi đều không có cây giống.
“Tôi tìm đến các điểm bán giống và hợp tác xã nhưng nơi nào cũng báo hết hàng, phải đặt từ bây giờ thì đến vụ năm sau mới có” - ông Nam cho hay.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na), cho biết, nhu cầu mua cây giống tăng đột biến.
"Tôi đã xuất chồi cho các vườn ươm ở Đồng Nai và ươm cây giống phục vụ người dân tại Đắk Lắk, Lâm Đồng… Tuy nhiên, ươm đến đâu bán hết đến đó, hiện vườn nhà cũng đã hết giống để cung cấp" - ông Sỹ khẳng định.

Bài toán tìm lại vị thế cho cây ca cao
Giá ca cao tăng cao đang mang lại tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mở ra cơ hội để ngành ca cao tìm lại vị thế từng có.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc cần nhìn lại quá khứ để tránh lặp lại vòng luẩn quẩn trồng - chặt từng xảy ra do thiếu thị trường ổn định. Bài toán đặt ra là phải phát triển bền vững, xây dựng nền sản xuất có định hướng, tránh những sai lầm trước đây.
Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước - nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, cây ca cao xuất hiện ở Đắk Lắk từ những năm 1980.
Thời điểm đó, địa phương được giao trồng ca cao với quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu. Giá ca cao khi ấy khoảng 2.000 USD/tấn, tương đương 4 lượng vàng - thời một chỉ vàng đã mua được 1ha đất.
Nhờ tiềm năng lớn, diện tích ca cao liên tục được mở rộng, kỳ vọng sẽ giúp nông dân thoát nghèo. Tuy nhiên, sau đó, thị trường xuất khẩu gặp khó, đơn hàng bị đình trệ, hạt ca cao tồn kho không ai thu mua, khiến nông dân buộc phải chặt bỏ cây.
Từ bài học này, theo Tiến sĩ Phước, muốn phát triển ca cao bền vững, cần đảm bảo đầu ra ổn định, đồng thời trang bị cho nông dân kỹ thuật canh tác phù hợp.
Tiến sĩ Đặng Bá Đàn - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - cho biết, qua khảo sát nhiều vùng trồng ca cao ở Đắk Lắk, ông nhận thấy năng suất cây ca cao tại đây khá cao.
Tuy nhiên, hiện chưa có mô hình nghiên cứu trồng xen để đánh giá hiệu quả và nâng cao giá trị sử dụng đất.
Ngoài ra, một lượng lớn phụ phẩm từ cây ca cao vẫn chưa được tận dụng hiệu quả. Cụ thể, khoảng 2/3 vỏ ca cao đang bị bỏ phí, trong khi cơm ca cao - phần thịt trắng bao quanh hạt - rất ngon nhưng cũng chưa được khai thác đúng mức.
Theo TS. Đàn, cần có thêm nghiên cứu, áp dụng công nghệ vào thực tiễn để phát triển toàn diện chuỗi giá trị ca cao, tận dụng tối đa tiềm năng mà loại cây này mang lại.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cây ca cao là 1 trong 5 cây công nghiệp của tỉnh, với diện tích hơn 1.000ha.