Kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập
Chủ đề của Tọa đàm được Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài Chính cùng Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức mới đây tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng, Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài Chính, Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022, trong đó đề ra nhiều giải pháp hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam. “Nhiệm vụ đầu tiên là chúng ta phải xây dựng 2 dự thảo Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, với mục đích là xây dựng các chính sách mới phải đảm bảo phù hợp với giai đoạn mới, bối cảnh kinh tế - xã hội, cũng như phù hợp với yêu cầu quản lý ngành kế toán kiểm toán”.
Ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng, Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài Chính phát biểu tại Tọa đàm |
“Bên cạnh đó, việc triển khai Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2030 cũng đặt ra những yêu cầu để Việt Nam phải thực hiện để đạt được hiệu quả về quản lý nhà nước đối với hoạt động kế toán, kiểm toán, cũng như phát triển nghiệp vụ, nhân lực kế toán, kiểm toán, hoạt động của các hội nghề nghiệp. Song hành với đó, nghiên cứu về ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vận dụng vào quy trình kế toán, kiểm toán. Chính vì vậy, đối với Bộ Tài chính đặt ra rất nhiều bài toán, mong muốn,… với mục tiêu thực hiện thành công Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2030”, ông Chính chia sẻ thêm.
Về phía ICAEW Việt Nam, bà Đặng Thị Mai Trang – Trưởng đại diện cho biết “Tại Vương quốc Anh, ICAEW đóng vai trò như một cơ quan quản lý nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính – kế toán, tham vấn Chính phủ xây dựng luật và quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập của gần 2.500 doanh nghiệp kiểm toán”.
“Là tổ chức nghề nghiệp quốc tế về tài chính kế toán lâu đời nhất thế giới với hơn 142 năm phát triển, ICAEW luôn chú trọng vào các hoạt động nghiên cứu và chia sẻ thông tin chuyên môn nghề nghiệp với một đội ngũ các chuyên gia tài chính, kế toán hàng đầu tại Anh. Hy vọng những trao đổi trong Tọa đàm thực sự hữu ích và góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có định hướng xây dựng các chính sách phù hợp cho phát triển ngành nghề và thị trường trong tương lai”, bà Trang bày tỏ.
Tại tọa đàm, bà Lê Thị Tuyết Nhung – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, Giám sát Kế toán Kiểm toán đã chia sẻ khái quát về Mô hình giám sát hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay, nhấn mạnh vào 4 phần chính, gồm khuôn khổ pháp lý, các Cơ quan quản lý và thực hiện; Quy trình kiểm soát chất lượng kiểm toán và Xử lý vi phạm sau kiểm tra.
Đến từ IFIAR, Diễn đàn Quốc tế các cơ quan kiểm toán độc lập (được thành lập vào năm 2006 tại Paris, hiện đang có 54 thành viên là các cơ quan quản lý kiểm toán độc lập của nhiều quốc gia trên thế giới), ông Carl Peter George Renner - Giám đốc điều hành và ông Delon Michael Abrams - Trưởng ban chính sách của IFIAR, đã trình bày về sự cần thiết phải có hệ thống giám sát kiểm toán và những yêu cầu về hệ thống giám sát kiểm toán độc lập hiệu quả.
Ông Carl cho rằng một hệ thống giám sát kiểm toán mạnh sẽ nâng cao chất lượng kiểm toán, làm tăng sự tin cậy vào báo cáo tài chính cũng như thị trường vốn, thúc đẩy sự tin cậy trong đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Hai diễn giả cũng chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của các bên trong việc lập Báo cáo tài chính (BCTC) có chất lượng. Theo đó ngoài vai trò của cơ quan quản lý trong việc ban hành chuẩn mực, giám sát thực hiện, vai trò của kiểm toán viên độc lập trong việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCTC thì phải nâng cao trách nhiệm của chính doanh nghiệp đối với BCTC. Cần khẳng định trách nhiệm cuối cùng đối với việc lập BCTC trung thực và hợp lý thuộc về Ban điều hành của doanh nghiệp. Ủy ban kiểm toán thuộc Hội đồng quản trị của doanh nghiệp có trách nhiệm giám sát Ban điều hành trong quá trình lập BCTC cũng như đề xuất lựa chọn công ty kiểm toán và giám sát tính độc lập của kiểm toán viên khi kiểm toán BCTC cho doanh nghiệp.
Đưa ra những khuyến nghị giúp Việt Nam có thể quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán độc lập hiệu quả, ông Carl Peter George Renner - Giám đốc điều hành IFIAR cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất, là chúng ta cần duy trì tính độc lập của cơ quan giám sát và tính độc lập của các cán bộ tham gia trong hoạt động giám sát các công ty kiểm toán cũng như các kiểm toán viên.
Ông Carl cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để có những người có kinh nghiệm hành nghề, có kỹ năng, kiến thức chuyên môn tốt làm việc chuyên trách cho cơ quan giám sát mới đảm bảo tính độc lập cao của các cơ quan này. “Tiếp theo, chúng ta cần có các quy định rõ ràng về quyền hạn của các cơ quan giám sát. Theo tôi, về mặt đánh giá chung Việt Nam đang triển khai hệ thống giám sát cơ bản là tốt và cũng đã sẵn sàng để có thể thúc đẩy được sự phát triển thêm của hệ thống giám sát kiểm toán độc lập này”, ông Carl chia sẻ.
Ông Alex Ooi - Giám đốc điều hành của Uỷ ban giám sát kiểm toán tại Malaysia chia sẻ nhiều kinh nghiệm quan trọng về giám sát các cuộc kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng. Ủy ban giám sát kiểm toán (Audit Oversight Board) của Malaysia mới được thành lập từ năm 2010 theo quy định tại Luật Chứng khoán. Là một đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Malaysia, AOB có nhiệm vụ thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng bao gồm các công ty niêm yết, công ty đại chúng, quỹ đầu tư. AOB cũng có thẩm quyền chấp thuận việc đăng ký và xử lý vi phạm đối với các công ty kiểm toán, kiểm toán viên kiểm toán cho các đơn vị này.
Tọa đàm tại TP. Hồ Chí Minh dưới sự điều phối của bà Elaine Hong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc của ICAEW |
Phần trình bày trực tuyến từ Anh quốc, ông Jon Hooper - Giám đốc Ban chuyên môn Dự án phát triển Quốc tế của ICAEW đã chia sẻ kinh nghiệm về cách thức giám sát chất lượng kiểm toán các hội viên ICAEW tại Anh Quốc. Trong đó, tập trung vào 2 chủ đề lớn là đánh giá chất lượng kiểm toán độc lập và soát xét báo cáo tài chính với nhiều chia sẻ kinh nghiệm hữu ích để Việt Nam có thể học hỏi và tham khảo.
Sau phần chia sẻ kinh nghiệm là phần tọa đàm giữa các chuyên gia quốc tế, Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán và các khách mời tham dự, dưới sự điều phối của bà Elaine Hong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc của ICAEW.
Trong phần tọa đàm, các khách mời tham dự đến từ các hiệp hội hành nghề, các đơn vị hành nghề kế toán kiểm toán đã đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể về những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế. Đặc biệt, trong phần thảo luận, đại diện một số công ty kiểm toán đã đặt ra rất nhiều câu hỏi có tính chất cụ thể, không chỉ dành cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là những vấn đề đối với doanh nghiệp, quá trình tổ chức quản lý doanh nghiệp như thế nào, thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp, sự cân bằng giữa trách nhiệm và rủi ro của kế toán viên, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán,…
Ông Trần Phú Sơn, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Kiểm toán Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) đánh giá cao sự cần thiết của những tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng phù hợp với bối cảnh của đất nước.
Ông Sơn cho rằng, rõ ràng là với các hiệp định kinh tế song phương, hiệp định kinh tế đa phương mà Việt Nam đang tham gia một cách tích cực, thì việc Việt Nam mở cửa hội nhập là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, câu chuyện quản lý, câu chuyện giám sát và câu chuyện kiến tạo cũng sẽ phải hòa nhập với các chuẩn mực, cũng như là các thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kế toán kiểm toán.