A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất thuốc giả không khác gì hành vi “giết người hàng loạt”

Nhận định hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là rất nghiêm trọng, không khác gì “giết người hàng loạt”, do đó đại biểu Quốc hội đề xuất giữ nguyên hình phạt từ hình với hành vi này.

Góp ý tại họp tổ về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn về đề xuất bỏ án tử hình đối với 4 tội danh: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và phòng bệnh; Tội tham ô và Tội nhận hối lộ.

Bà Lan cho rằng, theo logic thông thường, nếu tình hình quản lý và thực tế của các tội danh này được cải thiện thì có thể giảm án. Ngược lại, nếu tình hình căng thẳng, nguy cơ cao và luật hiện hành không đủ sức răn đe, thì cần tăng mức xử phạt.

"Có đồng chí nào trong ban soạn thảo dám khẳng định 4 loại tội phạm này đang êm đềm không", nữ đại biểu nêu câu hỏi.

Nữ đại biểu lấy dẫn chững về việc mới đây Công an Thanh Hóa phát hiện 21 loại thuốc giả và đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, chứ còn thực tế thì khủng khiếp như thế nào?

Hay như hành vi tham nhũng và nhận hối lộ dù Đảng ta đã quyết liệt đấu tranh, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, việc đặt vấn đề nhân văn, cho rằng án tử hình không giúp cải tạo và thay thế bằng tù chung thân là điều bà không đồng ý.

Sản xuất, buôn bán thuốc giả không khác gì hành vi “giết người hàng loạt”

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, chúng ta đặt ra vấn đề nhân văn khi bỏ án tử hình đối với một số tội danh. "Tôi không đồng ý, vì ông bà ta dạy sát nhân giả tử. Lúc anh làm, anh vi phạm có nghĩ đến lúc bị trừng phạt không?", bà Lan đặt vấn đề.

Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận trên thế giới có những quốc gia bỏ án tử hình, nhưng đó là vấn đề hoàn toàn khác. Do đó, nữ đại biểu đề nghị ban soạn thảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội dữ liệu kinh nghiệm quốc tế về bỏ tử hình đối với 4 tội danh mà bà không đồng ý; kinh nghiệm quốc tế về các quốc gia có 4 tội danh này, họ đang xử mức án như thế nào?

"Chúng ta nhân văn với tội phạm là chúng ta độc ác với đồng bào mình, với những người đang sống tuân thủ pháp luật, với thân nhân của các nạn nhân", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Về vấn đề thuốc giả, là một cán bộ công tác trong ngành Y, bà Lan cho rằng, khi còn đi học, các thầy cô luôn nhấn mạnh đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng.

Nêu thực tế hiện chưa xử tử hình ai về tội làm thuốc giả. Tuy nhiên, theo đại biểu, án tử hình có tác dụng răn đe. Trước tình trạng hàng giả tràn lan, đặc biệt là thuốc giả ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe, thì phải giữ án tử hình để răn đe và tránh tình trạng luật trói tay trong tương lai.

“Một bác sĩ dở có thể gây hại cho một bệnh nhân nhưng một dược sĩ làm thuốc giả có thể giết hàng loạt người, việc này không khác gì giết người hàng loạt. Đừng nói là không biết, khi nhận lợi nhuận, họ đều biết rõ. Hành vi này phải bị trừng trị thích đáng”, bà Lan phát biểu.

Cùng với đó, đại biểu Lan cũng đề nghị xem xét lại các tội liên quan đến thực phẩm. Mức án cao nhất hiện tại chỉ là tù chung thân, nhưng lại yêu cầu chứng minh thiệt hại.

Nữ đại biểu cho rằng, việc chứng minh này rất khó khăn. Rõ ràng, thực phẩm giả, đặc biệt là thực phẩm chức năng và sữa giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người già, trẻ em và những đối tượng yếu thế.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cũng kiến nghị không nên bỏ hình phạt tử hình với 4 tội danh. Theo đại biểu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh là hành vi đặc biệt nguy hiểm, là hành vi giết người gián tiếp.

“Thuốc giả có thể gây chết người hàng loạt do điều trị không đúng thuốc, gây tốn kém tiền của của Nhân dân, phá hoại sức khỏe cộng đồng đặc biệt là trong các bệnh viện và cơ sở y tế. Thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt liên quan trực tiếp đến sự sống của con người, làm giả thuốc đồng nghĩa với đánh đổi mạng sống người khác để trục lợi”, đại biểu nói.

Đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các hành vi này có tác động tiêu cực với xã hội, gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu năng lực điều trị.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết