A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh sự danh dự: “Cánh tay nối dài” thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại

Không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, mạng lưới Lãnh sự danh dự đã và đang là “cánh tay nối dài” thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại…

Ngày 8/01/1994, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký quyết định ban hành Quy chế Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài. Ngày 18/01/1994, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam đầu tiên tại Lebanon. Đây được cho là nền móng xây dựng mạng lưới Lãnh sự danh dự Việt Nam ở khắp các châu lục.

Lãnh sự danh dự: “Cánh tay nối dài” thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại - Ảnh minh họa

Lãnh sự danh dự được cho là “cánh tay nối dài” thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại - Ảnh minh họa

Đến năm 2020, Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BNG về Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay thế cho Quy chế Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài (Quy chế năm 1994).

Theo thống kê, từ thời điểm năm 1994 đến tháng 10/2021, Việt Nam đã bổ nhiệm 44 Lãnh sự danh dự Việt Nam tại các châu lục, trong đó có 32 Lãnh sự danh dự đang hoạt động. Ngoài ra, hiện có khoảng gần 20 ứng viên có nguyện vọng làm Lãnh sự danh dự cho Việt Nam.

Thực tế, với sự phủ sóng tương đối rộng rãi, các Lãnh sự danh dự Việt Nam đang hoạt động rất hiệu quả với nhiều thành tích nổi bật, phục vụ thiết thực cho các định hướng đối ngoại lớn của đất nước, như là “cánh tay nối dài” không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại trong những năm qua.

Điển hình như TS. Philipp Rosler - Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ (nguyên Phó Thủ tướng Đức), với vai trò Lãnh sự danh dự, quá trình hoạt động, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

TS. Philipp Rosler - Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ (nguyên Phó Thủ tướng Đức) đóng vai trò quan trọng trung thúc đẩy quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong những năm qua - Ảnh: TTXVN

TS. Philipp Rosler - Lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ (nguyên Phó Thủ tướng Đức) đóng vai trò quan trọng trung thúc đẩy quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong những năm qua - Ảnh: TTXVN

Trong đó có thể kể đến tháng 11/2020, thông qua kết nối từ Lãnh sự danh dự Philipp Rosler, cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ (nay là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) với các lãnh đạo Bộ Kinh tế - Thương mại Thụy Sĩ đã đạt được những kết quả tích cực, khi sau buổi gặp gỡ này, Bộ Kinh tế - Thương mại Thụy Sĩ quyết định đầu tư 350 triệu USD vào lĩnh vực y tế, khởi nghiệp công nghệ và đáng chú ý là khu du lịch Phú Quốc.

Không chỉ thúc đẩy, quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, TS. Philipp Rosler còn là nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp nói tiếng Đức về nhiều lĩnh vực như: công nghệ và số hóa, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch,...

Với nhiều đóng góp to lớn như đã nêu, thế nhưng, các Lãnh sự danh dự hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận hay lợi ích về kinh tế, mà chỉ coi đây là một nhiệm vụ nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước.  

Đây là tư tưởng không chỉ các Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài, mà với các Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam, họ cũng coi đây là “kim chỉ nam” cho hoạt động, và mọi hoạt động họ hướng tới đều đúng nghĩa “cánh tay nối dài” thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.

Thông tin với báo chí, ông Phùng Anh Tuấn – Tổng Lãnh sự danh dự Phần Lan tại Việt Nam cho biết, chúng tôi làm các công việc không liên quan đến chính trị, an ninh, tình báo. Và chúng tôi không nhận lương để làm việc.

“Làm Tổng Lãnh sự danh dự ông chẳng mất gì, chỉ... mất thời gian, nhưng, làm công việc ngoại giao thực sự không chỉ là niềm vui mà còn là trách nhiệm”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, tôi rất quan tâm đến các cơ hội xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và các nước. Khi nhận lời làm tổng lãnh sự danh dự tôi có thêm nhiều mối quan hệ, có thêm nhiều bạn bè, có thêm nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại. Vì vậy tôi vui lòng làm việc trong vị trí này.

Trước đó, để đảm bảo hoạt động của các Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam, ngày 04/12/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 139/2000/QĐ-TTg ban hành Quy chế về lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam (Quy chế 139).

Tuy nhiên, cho đến hiện nay, một số quy định của Quy chế 139 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế trong việc chấp thuận Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam cũng như chưa hoàn toàn thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Do vậy, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị định số 26/2022/NĐ-CP về viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/6/2022).

Nghị định này, hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993 về thủ tục chấp thuận viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam và quy chế hoạt động của viên chức Lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Nghị định của Chính phủ về Quy chế lãnh sự danh dự nước ngoài tại Việt Nam được ban hành là cần thiết với yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế; đáp ứng các yêu cầu về quản lý Nhà nước đối với cơ quan Lãnh sự danh dự và Lãnh sự danh dự, qua đó góp phần đảm bảo lợi ích quốc gia.

Không chỉ có vậy, Nghị định này cũng được cho là phù hợp với tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, về việc “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết