A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khánh thành Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 9/8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Sự kiện mang ý nghĩa mở đầu chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam...

Tham dự buổi lễ còn có các đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành, các đồng chí là nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo địa phương, cùng thân nhân các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và đông đảo hội viên nhà báo...

Khánh thành Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Lê Quốc Minh cho hay, đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.

Cách đây tròn 75 năm, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở giữa núi rừng ATK Việt Bắc. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam và là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong diễn văn khai mạc buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền báo chí để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến chủ động thực hiện với sáng kiến xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Khánh thành Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đọc diễn văn khai mạc buổi lễ

Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần dành thời gian viết thư động viên tinh thần dạy và học của thầy và trò nhà trường lúc đó.

Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”.

Tiếp thu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Giám đốc Trường được thành lập gồm 5 người: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến 6/7/1949, trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt của mình.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta.

Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh giới thiệu hình ảnh tư liệu về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (bìa phải) và các đại biểu.

Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh giới thiệu hình ảnh tư liệu về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh (bìa phải) và các đại biểu

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết thêm, do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này.

Hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự; hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng có tên tuổi như: Đồng chí Trường Chinh; đồng chí Võ Nguyên Giáp; đồng chí Hoàng Quốc Việt; đồng chí Lê Quang Đạo; đồng chí Tố Hữu; đồng chí Nguyễn Thành Lê; nhà báo Quang Đạm; nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi; nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; nhà thơ Xuân Diệu; nhà văn Nam Cao; nhà thơ Thế Lữ; nhà văn Nguyễn Tuân…

Các học viên sau khi tốt nghiệp nhiều người đã trở thành các cây bút trụ cột của nhiều cơ quan báo chí hoặc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà.

Khánh thành Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu tham quan di tích

Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay cả nước đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ.

Năm 1949, chúng ta có khoảng mười tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và trên 40 nghìn người làm báo…

Năm 2019, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam dày công sưu tầm, chuẩn bị, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền, Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành Văn hóa, “địa chỉ đỏ” Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.

“Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của di tích nhân kỷ niệm 75 năm thành lập trường; hướng đến 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng từ nguồn vốn xã hội hoá và được giao trọng trách chủ đầu tư.

Khánh thành Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Quang cảnh buổi lễ

Sau 6 tháng 22 ngày bất kể thời tiết nắng mưa thất thường, công việc tu bổ, tôn tạo đã hoàn tất và hôm nay tất cả chúng ta vui mừng hiện diện ở đây, cùng nhau chứng kiến giờ phút công trình được đi vào sử dụng, với mong muốn phục vụ rộng rãi công chúng và nhân dân cả nước”, đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị, để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa; hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của “Thủ đô gió ngàn”.

Khánh thành Di tích Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Các đại biểu tham dự buổi lễ

Sau sự kiện có tính chất mở đầu chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của nền Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), các cấp, các ngành ở Trung ương và tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch thiết thực, cùng tôn vinh xứng đáng truyền thống vẻ vang, những thành tựu, đóng góp to lớn của báo chí trong suốt chiều dài sự nghiệp cách mạng; cổ vũ, động viên và tri ân những người làm báo tiêu biểu, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc; bồi dưỡng niềm tự hào về sứ mệnh nghề nghiệp, lòng yêu nghề đối với những người làm báo hôm nay, góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan