Neo mức 153.000 đồng/kg, giá tiêu có nhiều triển vọng tích cực ở trung và dài hạn
Giá tiêu trong nước hôm nay (21/5) tiếp tục ổn định ở mức 150.000 – 153.000 đồng/kg do sức mua yếu cùng với tâm lý găm hàng của người dân. Tuy nhiên, dự báo triển vọng phục hồi trung và dài hạn vẫn có những dấu hiệu tích cực.
![]() |
Vụ thu hoạch hồ tiêu đã kết thúc ở các vùng trồng. |
Cụ thể, giá tiêu hôm nay ở tỉnh Gia Lai tiếp ổn định so với phiên giảm nhẹ hôm qua, hiện giá thu mua tiêu tại địa phương này ở mức 150.000 đồng/kg. Giá tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước ít biến động, được thương lái thu mua 151.000 đồng/kg. Giá tiêu ở Đắk Lắk, Đắk Nông đang ổn định ở mức 153.000 đồng/kg.
Hiện sức mua nội địa còn yếu, cùng với tâm lý "găm hàng" của nông dân và sự thận trọng của thương lái khiến giá trong nước chưa thể bật tăng rõ rệt.
Những ngày đầu tháng 4/2025, sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng với các đối tác thương mại, giá hạt tiêu đã giảm xuống. Nhưng ngay sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, giá hạt tiêu đã tăng trở lại và đã tiến gần tới mốc 160.000 đồng/kg trong những ngày giữa tháng 4.
Từ mức đỉnh 160.000 đồng/kg, giá tiêu giảm dần cho đến như hiện tại. Chuyên gia dự báo xuất khẩu hạt tiêu trong quý 2 và trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, do giá hạt tiêu ở mức cao khiến cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu bị áp lực về tài chính. Chính sách thuế của Mỹ có thể sẽ bị thay đổi nên các đơn hàng ký giao xa sẽ bị hạn chế trong thời điểm hiện tại.
Những năm trước, vào thời điểm thu hoạch hạt tiêu, giá tiêu thường giảm do nguồn cung dồi dào. Nhưng năm nay, dù đang trong thời điểm thu hoạch, giá tiêu nội địa luôn ở mức cao do người nông dân bán ra cầm chừng vì không bị áp lực về tài chính.
Một số dự báo cho rằng giá hồ tiêu sẽ chỉ dao động nhẹ trong ngưỡng 150.000 - 153.000 đồng/kg trong ngắn hạn, nhưng triển vọng phục hồi trung và dài hạn vẫn có những dấu hiệu tích cực.
Đáng chú ý, Trung Quốc - thị trường từng chững lại đã bắt đầu mua trở lại dù khối lượng còn hạn chế. Theo dự báo xuất khẩu hạt tiêu trong quý II và trong thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn do các nhà xuất khẩu và nhập khẩu bị áp lực về tài chính.
Dự báo từ nay đến cuối năm, yếu tố cung - cầu sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong việc điều tiết thị trường. Thực tế, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu vẫn đang thiếu hụt, đây sẽ là tín hiệu tích cực giúp giá tiêu có thể không bị giảm xuống thấp trong trung và dài hạn.
Trên thế giới, thị trường hồ tiêu biến động tăng giảm đan xen giữa các quốc gia. Trong đó, giá hồ tiêu Indonesia tiếp tục biến động tăng, mức tăng từ 22 - 30 USD/tấn; ngược lại, sau thời gian ít biến động, đi ngang, giá hồ tiêu ở Brazil bất ngờ giảm mạnh, mức giảm 150 USD/tấn.
Cụ thể, IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia hiện đang ở mức giá 7.301 USD/tấn; tương tự giá tiêu trắng Muntok hiện được thu mua với giá 10.051 USD/tấn.
Thị trường tiêu Malaysia duy trì ổn định, hiện giá tiêu đen ASTA của Malaysia được thu mua ở mức giá 9.200 USD/tấn và giá tiêu trắng ASTA ở mức 11.900 USD/tấn.
Giá tiêu ở Brazil đi ngang, ít biến động so với phiên giao dịch trước, hiện giá thu mua đạt mức 6.800 USD/tấn.
Thị trường tiêu Việt Nam tiếp tục đi ngang và ổn định, hiện giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu hiện đang ở mức giá 6.700 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l ở mức giá 6.800 USD/tấn và giá tiêu trắng đang ở mức giá 9.700 USD/tấn.
NY