Ai tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng?
Câu trả lời: Thật đáng buồn. Người tiêu dùng chúng ta đang tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại, lưu thông.
Thử hỏi mấy ai trong chúng ta chưa từng là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng? Vấn đề là thái độ, cách hành xử của chúng ta khi gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng như thế nào? Nhiều câu hỏi đều có câu trả lời chung là: Mác kê nô (mặc kệ nó). Chính vì vậy, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại như sự thách thức, trêu ngươi, giữa xã hội... như giặc Phạm Nhan chặt đầu này lại mọc ra đầu khác.
Nhiều hệ lụy, ức chế ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe thậm chí tính mạng của người tiêu dùng do sử dụng phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ảnh: Minh Tuấn
Để diệt được hàng giả, hàng kém chất lượng, cần có sự kết hợp giữa hệ thống pháp luật, công quyền, cùng với người tiêu dùng. Cần có thể chế, chế tài pháp luật nghiêm khắc với hàng giả, hàng kém chất lượng, xây dựng hàng rào an ninh, an toàn bảo vệ người tiêu dùng.
Chúng ta luôn đòi hỏi phải có chế tài xử phạt mạnh mẽ, có tính răn đe, nhưng thực tế cho thấy, chính chúng ta lại chưa hề nghiêm khắc với bản thân, chưa chịu góp “vôi tôi và bồ hóng”. Khi nhận phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chúng ta ứng xử mỗi người mỗi vẻ. Người thì cười xòa dễ dãi coi như nộp học phí, chịu mất “tiền ngu”. Người thì tặc lưỡi dùng cố cho hỏng hẳn, rồi vứt đi coi như “của đi thay người”. Người thì tức giận kiểu AQ, chửi ầm cả “họ hàng hang hốc” kẻ làm hàng giả, hàng kém chất lượng lên. Khổ nỗi “tai mình gần mồm mình”, mình chửi thì mình nghe trước. Nếu chửi mà chết ngay được thì chả kẻ nào dám làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cả. Và thế là bọn chúng cứ nhơn nhơn ra trục lợi, kệ người tiêu dùng “tức đấm ngực mà chết”.
Robot hút bụi dọn nhà (sản phẩm giả mạo, kém chất lượng) có giá rẻ giật mình chỉ xài được vài lần là... vứt.
“Quả báo” chắc sẽ có nhưng đợi thì còn lâu, không biết bao giờ mới rụng vào đầu kẻ xấu. Chỉ có sự ức chế cứ rụng bồm bộp vào đầu người tiêu dùng khi tung tăng diện đôi giầy ba hôm thì bục mõm, sút chỉ, mà nhãn mác thì ghi là hiệu LV. Là khi người tiêu dung mua phải loại thuốc uống chữa bệnh làm từ bột than tre pha bột sắn dây, chả khác gì thuốc bùa của mấy ông thầy cúng…, uống vào cũng như không uống, bệnh nặng càng thêm nặng. Là khi người tiêu dung mua phải mỹ phẩm kem trộn bôi mặt đẹp da, đẹp đâu chả thấy chỉ thấy mặt bị dị ứng sưng vù, húp híp như bị ong đốt. Là cái máy sấy tóc kêu ù ù, tóc thì không khô mà ổ điện lại nổ khô khốc vì chập điện. Là khi mua phải cái đồng hồ đeo vào mọc mụn nước ở cổ tay khi cái dây đeo kim loại hằn với lớp da của cổ tay…
Rất nhiều hệ lụy, ức chế ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe thậm chí tính mạng của người tiêu dùng do sử dụng phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhưng đấy, có ai làm đến cùng, lập tức khiếu nại tới cơ quan quản lý chức năng, cơ quan quản lý thị trường đâu. Nếu khiếu nại tới đơn vị bán hang, người tiêu dùng phải bỏ công, bỏ việc, cùng công an điều tra đến cùng, bóc gỡ, triệt tiêu đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả.
Phần lớn người tiêu dùng thường chọn cách im lặng với tâm lý thôi dại thì chịu, lần sau cạch mặt nó ra, do đó, những kẻ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng được đà, cứ tiếp tục lưu hành. Nếu không có đủ căn cứ pháp lý, chứng cớ, hậu quả của hàng giả, hàng kém chất lượng thì cơ quan chức năng, quản lý thị trường khó lòng mà xử lý được vi phạm của đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ở một góc độ khác, chính các nhà sản xuất cũng chưa ra sức bảo vệ chính mình, do nhiều lý do, có thể mức thiệt hại do hàng giả, hàng kém chất lượng gây ra chưa đủ lớn để phải ra tay bảo vệ. Hoặc tâm lý ngại thưa kiện, sợ “dậu đổ bìm leo” do việc khiếu nại các sản phẩm nhái thương hiệu, có thể kéo theo các điều tra liên quan đến thuế má, chuyển giá… “lợi bất cập hại". Và cuối cùng chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt.
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", người tiêu dùng đừng biến mình thành kẻ tiếp tay, trước khi là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng.