A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu trưởng bị tố gọi giáo viên là gái bao và bài học về phát ngôn

Một hiệu trưởng trường mầm non ở huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị tố cáo cư xử thiếu chuẩn mực, gọi giáo viên dưới quyền là “gái bao” gây xôn xao dư luận.

Hiệu trưởng bị tố gọi giáo viên là gái bao và bài học về phát ngôn

Ngành chức năng chỉ đạo làm rõ sự việc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) bị tố có nhiều sai phạm và xúc phạm giáo viên. Ảnh: Minh Hoàng

Bà Lê Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Sơn, huyện Quan Hóa, một lần nữa bị tố cáo có nhiều sai phạm trong quản lý và cư xử thiếu chuẩn mực với giáo viên.

Đúng ra thì chuyện này không có gì đáng nói nếu không có chi tiết đại diện lãnh đạo UBND huyện Quan Hóa thừa nhận là trong năm học 2021-2022, bà Huệ từng bị tố cáo có những lời nói xúc phạm giáo viên, gọi giáo viên là “gái bao”, khiến giáo viên bức xúc và chính quyền địa phương, huyện Quan Hóa phải vào cuộc giải quyết.

Và bây giờ, bà Huệ lại tiếp tục bị tố cáo chuyện cư xử thiếu chuẩn mực với giáo viên của mình.

Việc một hiệu trưởng liên tục bị tố cư xử thiếu chuẩn mực với giáo viên, thậm chí gọi giáo viên là “gái bao” như trường hợp bà Lê Thị Huệ không chỉ đơn thuần là dấu hiệu dẫn tới nguy cơ mâu thuẫn nội bộ, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nghề giáo, đặc biệt khi người bị tố cáo lại đứng trên cương vị lãnh đạo, lẽ ra phải nêu gương cho tập thể.

Trong môi trường sư phạm, nơi những hạt mầm nhân cách đầu tiên được gieo trồng thì mỗi lời nói, cử chỉ của thầy cô giáo đều có sức ảnh hưởng to lớn tới học sinh, đồng nghiệp và cộng đồng.

Do đó, khi những lời lẽ xúc phạm được thốt ra kiểu “gái bao”, thì không chỉ nhân phẩm của giáo viên bị tổn thương, mà chính niềm tin về chuẩn mực, văn hóa học đường cũng bị lung lay.

Vụ việc này cũng đặt ra vấn đề lớn hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn môi trường văn hóa sư phạm.

Xã hội luôn có những đòi hỏi rất cao về sự mẫu mực đối với ngành giáo dục, với hình ảnh “nhà giáo nhân dân” từ lời nói đến cách hành xử.

Khi một hiệu trưởng, dù ở cấp học nào, không thực hiện được đúng vai trò này, hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên trực tiếp liên quan, mà còn khiến phụ huynh và công luận nghi ngại về chất lượng giáo dục tại trường cũng như niềm tin với ngành.

Trong câu chuyện cụ thể này, một lời nói kiểu “gái bao” có thể chưa đủ để kết luận bản chất của một con người. Nhưng hệ lụy của lời nói thiếu chuẩn mực ấy sẽ làm xói mòn niềm tin về sự công bằng, văn hóa ứng xử và kỷ luật trong cơ sở giáo dục.

Đây còn là bài học lớn về việc giữ mình và cả "giữ lời" - phát ngôn, đối với thầy cô giáo, đặc biệt là những nhà quản lý giáo dục.

Chỉ khi người đứng đầu nhà trường ý thức sâu sắc về vai trò gương mẫu của mình với học sinh, đồng nghiệp và cấp dưới, mới có thể duy trì và lan tỏa niềm tin về một nền giáo dục nhân văn, lành mạnh và chất lượng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết