Thần đồng Vật lý, tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa, ĐH Bắc Kinh nhưng thất nghiệp vì "EQ thấp": Đổi đời trở thành giáo viên "tỷ view" nhờ ngộ ra 1 chân lý
Tốt nghiệp cả Thanh Hoa và Bắc Kinh, những thần đồng vật lý Trung Quốc bị từ chối việc làm vì lí do khó đỡ.
Thần đồng vật lý bị từ chối việc làm vì EQ thấp
Sinh ra trong một gia đình nông thôn bình dị ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), Li Yongle sớm bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với tri thức, đặc biệt là vật lý. Đối với cậu bé lớn lên giữa cánh đồng và những con đường làng, giáo dục không chỉ là con đường duy nhất để vươn lên mà còn là ngọn đèn soi sáng thế giới xung quanh. Với trí tuệ xuất chúng và tinh thần cầu tiến không ngừng, cậu luôn đứng đầu trong các kỳ thi, trở thành niềm tự hào của thầy cô và gia đình.
Lên cấp hai, khi lần đầu tiếp xúc với vật lý, Li Yongle lập tức bị cuốn hút bởi những quy luật khoa học kỳ diệu ẩn giấu trong vạn vật. Đam mê ấy không chỉ thể hiện qua bảng thành tích xuất sắc mà còn qua hàng loạt giải thưởng danh giá trong các cuộc thi vật lý trong nước và quốc tế. Thành công nối tiếp thành công, anh xuất sắc giành được suất tuyển thẳng vào cả Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh - hai ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc, điều mà hiếm ai đạt được trong lịch sử giáo dục nước này.
Học song song tại hai trường đại học hàng đầu không hề dễ dàng, nhưng Li Yongle vẫn xuất sắc vượt qua mọi thử thách. Không chỉ giỏi lý thuyết, anh còn đam mê nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy vật lý sáng tạo và dễ hiểu. Tuy nhiên, dù sở hữu bảng thành tích ấn tượng, nhưng con đường sự nghiệp của anh sau khi tốt nghiệp lại không hoàn toàn thuận lợi như nhiều người vẫn tưởng.
Sau khi tốt nghiệp, Li Yongle nộp đơn vào nhiều công ty lớn, trong đó có Sony. Với nền tảng học vấn xuất sắc, anh dễ dàng vượt qua vòng thi viết với số điểm cao nhất. Tuy nhiên, tại vòng phỏng vấn, khi được hỏi điều gì là không thể chấp nhận trong công việc, anh thẳng thắn trả lời: "Làm thêm giờ". Câu trả lời trung thực này lập tức khiến hội đồng tuyển dụng đánh giá anh có "trí tuệ cảm xúc thấp" và loại khỏi danh sách ứng viên.
Không chỉ Sony, nhiều công ty khác cũng từ chối Li Yongle với lý do tương tự. Dù sở hữu chuyên môn vượt trội, anh lại không giỏi trong việc giao tiếp và thích một môi trường làm việc đơn giản, minh bạch. Điều này khiến anh gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc, dù hồ sơ của anh là niềm mơ ước của không ít người.
Chuyển hướng sang giảng dạy với mức lương khiêm tốn
Sau nhiều lần thất bại trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp, Li Yongle quyết định rẽ hướng sang giảng dạy - con đường mà anh tin rằng sẽ mang lại ý nghĩa thực sự. Anh nộp đơn vào một trường trung học cơ sở với mong muốn truyền đạt niềm đam mê vật lý cho thế hệ trẻ. Khi gặp hiệu trưởng trong buổi phỏng vấn, anh thẳng thắn nói: "Tôi muốn trở thành giáo viên vật lý. Dù mức lương ở các doanh nghiệp nước ngoài có cao đến đâu, nó cũng không dành cho một người yêu thích nghiên cứu và giảng dạy như tôi".
Cuối cùng, anh được nhận vào làm giáo viên với mức lương khởi điểm chỉ 4.000 NDT/tháng (hơn 14 triệu đồng). Nhiều người tiếc nuối, cho rằng đây là sự lãng phí một tài năng xuất chúng. Nhưng với Li Yongle, điều quan trọng không phải là tiền bạc mà là niềm vui khi được truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em khám phá vẻ đẹp của vật lý và mở ra những chân trời tri thức mới.
Biểu tượng giáo dục và hiện tượng mạng với hàng chục triệu người hâm mộ
Không bó hẹp trong phương pháp giảng dạy truyền thống, Li Yongle đã tạo ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới với vật lý. Thay vì những bài giảng khô khan, anh thường xuyên đặt ra các câu hỏi gợi mở, kết hợp thí nghiệm trực quan sinh động giúp học sinh dễ dàng hình dung. Anh còn kể những câu chuyện hấp dẫn về các nhà khoa học, biến môn vật lý từ một nỗi ám ảnh thành một hành trình khám phá đầy thú vị.
Nhờ phương pháp giảng dạy độc đáo này, suốt 10 năm, Li Yongle đã đào tạo hơn 200 học sinh trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, đồng thời giúp nhiều em giành huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic vật lý quốc tế. Thế nhưng, khát khao lan tỏa tri thức của Li Yongle không dừng lại trong bốn bức tường lớp học. Nhận thấy sức mạnh của nền tảng trực tuyến, anh bắt đầu ghi hình các bài giảng và chia sẻ miễn phí trên Internet, với mong muốn giúp đỡ nhiều học sinh hơn, đặc biệt là những em nhỏ ở vùng nông thôn còn thiếu điều kiện tiếp cận giáo dục chất lượng.
Không ai ngờ rằng, những video giảng dạy của anh lại nhanh chóng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, thu hút hơn 1 tỷ lượt xem và hơn 20 triệu người theo dõi. Những bài giảng đầy sáng tạo của anh không chỉ giúp hàng triệu học sinh trên khắp Trung Quốc vượt qua nỗi sợ hãi với những công thức và định luật vật lý mà còn khơi dậy trong các em niềm đam mê thực sự với môn học tưởng chừng khô khan này.
Không chỉ dừng lại ở giảng dạy trực tuyến, Li Yongle còn hợp tác với các giáo viên nổi tiếng để viết bộ sách "Vật lý mà trẻ em có thể hiểu ngay khi đọc". Cuốn sách trình bày kiến thức theo cách đơn giản, trực quan, giúp học sinh dễ tiếp cận hơn với môn học.
Từ một thần đồng vật lý từng bị từ chối việc làm, Li Yongle đã trở thành biểu tượng giáo dục của Trung Quốc. Dù mức lương không cao, nhưng anh được hàng triệu người ngưỡng mộ vì những đóng góp to lớn cho giáo dục. Câu chuyện của anh là minh chứng rõ nét rằng thành công không chỉ được đo bằng thu nhập, mà bằng giá trị mà ta mang lại cho xã hội.
Theo Baidu