A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp thay đổi và thích nghi

Việc thay đổi chiến lược, hướng đi, loại sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà hơn hết, còn là hành động ý nghĩa, chung tay với toàn xã hội ngăn chặn dịch bệnh.

Mới đây, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định đã tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang. Sản lượng vải kháng khuẩn do công ty này cung cấp đạt 200.000 mét vải/tháng, tương đương sản lượng may 70.000 khẩu trang/ngày. Như vậy, đây là  đơn vị thứ 7 trực thuộc Vinatex sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn để cung ứng cho các doanh nghiệp may khẩu trang phòng chống dịch.

Theo đại diện Vinatex, đến nay tập đoàn đã có 18 công ty dệt may tham gia sản xuất khẩu trang để phòng bệnh dịch Covid-19. Hiện năng suất tại các đơn vị thành viên đã tăng lên đến 400 - 500 khẩu trang/công nhân/ngày. Đối với việc bán lẻ khẩu trang vải kháng khuẩn cho người tiêu dùng, Vinatex cũng đảm bảo cung ứng ổn định trên hệ thống 5 cửa hàng bán lẻ với số lượng từ 150.000 - 200.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày do Công ty Dệt Kim Đông Xuân sản xuất. Đồng thời, các đơn vị thành viên khác cũng đã cho ra mắt các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của DN mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm Hanosimex, May Chiến Thắng, May Nhà Bè, Việt Tiến…

Các DN phải nỗ lực thay đổi trước những biến động về nhu cầu tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường

Giám đốc một DN dệt may tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, nhiều DN may mặc trong nước vốn có thế mạnh là các mặt hàng quần áo thời trang xuất khẩu hoặc phục vụ thị trường nội địa. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, lượng hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài gặp khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng đối với khẩu trang kháng khuẩn trong nước rất cao, thậm chí cung không đủ cầu. Vì vậy, việc thay đổi chiến lược, hướng đi, loại sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường không chỉ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà hơn hết, còn là hành động ý nghĩa, chung tay với toàn xã hội ngăn chặn dịch bệnh.

Tương tự, ở lĩnh vực sản xuất chế biến các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, một số DN đã chuyển hướng sản phẩm trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh hiện nay. Đơn cử như đối với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), trước kia trong bối cảnh kinh doanh thông thường thì ngoài mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, doanh nghiệp rất chú trọng cung ứng ra thị trường các mặt hàng tươi sống như thịt heo các loại, trứng gà tươi... Nhưng hiện nay, không ít khách hàng đang có tâm lý tích trữ các loại lương thực thực phẩm để được lâu vì lo sợ dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, diễn biến phức tạp, vì vậy, công ty đang đẩy mạnh sản xuất các loại thực phẩm như đồ hộp các loại, xúc xích, lạp xưởng, giò chả, thịt xông khói...

Số liệu thống kê mới nhất được thực hiện bởi Nielsen cho thấy, sức khỏe tiếp tục đứng đầu trong các mối quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam với mức cao nhất trên toàn cầu là 45%. Mối quan tâm về công việc vẫn duy trì ổn định trong quý 4/2019 với vị trí top 3 (37%). Trong khi đó, mối quan tâm về cân bằng giữa công việc và cuộc sống tăng mạnh đến 27%. Ngoài ra, các lĩnh vực khác mà người tiêu dùng Việt Nam quan tâm là tình hình kinh tế (20%) và hóa đơn tiện ích gia tăng (10%)... Điều đáng chú ý là, vấn đề gia tăng chi phí thực phẩm đã lọt vào danh sách top 6 mối quan tâm của người Việt Nam với 10% số người được hỏi cho biết đây là vấn đề họ quan tâm.

Trước những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, tại các DN chuyên sản xuất, chế biến thực phẩm, gạo, hàng hóa tiêu dùng, tỷ trọng các loại hàng hóa đang có sự dịch chuyển đáng kể. Trong đó, nhiều mặt hàng có nhu cầu gia tăng đột biến như gạo, bún miến khô, mì tôm, ngũ cốc, thuốc bổ, vitamin... Điều này đòi hỏi các DN sản xuất kinh doanh phải có sự tính toán sao cho phù hợp với tình hình, tránh sản xuất tập trung quá nhiều, hoặc ngược lại, thấy không phải điểm mạnh của mình thì không dám đầu tư, tăng năng suất, góp phần khiến thị trường xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Tuyết Thanh

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan