Cơn khát vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa vơi
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang thiếu vốn dù tín dụng bất động sản đã tăng mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm bất động sản do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, hoạt động tín dụng bất động sản với mục đích để sử dụng, tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao.
Tính đến cuối tháng 10.2024, tổng dư nợ cho vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng nhà để ở trên địa bàn TPHCM đạt 784.000 tỉ đồng.
Trong đó, cho vay mua nhà để ở và cho vay tiêu dùng, nếu phân tích theo mục đích sử dụng vốn thì tín dụng cho vay mua nhà để ở chiếm khoảng 70% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng trưởng dương trở lại trong những tháng gần đây.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết thêm, tín dụng bất động sản trên địa bàn TPHCM chủ yếu là tín dụng trung dài hạn (chiếm khoảng 96%) và tăng trưởng phù hợp theo diễn biến thị trường và cơ cấu sản phẩm.
Trong khi đó, số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2024 của gần 90 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh quý vừa qua của nhóm địa ốc chưa có nhiều điểm sáng.
Theo thống kê từ VietstockFinance, dư nợ tài chính của 87 doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán (bao gồm HOSE, HNX và UPCoM) tính đến hết quý III/2024 tăng gần 11% so với đầu năm, lên hơn 262.000 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng hơn 30%, lên hơn 10.300 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính mới nhất cũng cho thấy, nhiều "ông lớn" trong ngành địa ốc đang phải đối mặt với khối nợ khổng lồ. Bên cạnh đó là gánh nặng khác đang “đè” doanh nghiệp địa ốc là hàng tồn kho.
Áp lực đáo hạn trái phiếu cũng tiếp tục đe dọa sự phục hồi của thị trường. Minh chứng, theo số liệu mới nhất từ VNDirect, ước tính, sẽ có hơn 76.700 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý cuối năm, trong đó nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất (35,8%).
Những diễn biến thực tế chỉ ra gánh nặng nợ và cơn khát vốn vẫn chưa hoàn toàn buông tha các doanh nghiệp bất động sản sau thời gian dài thị trường lao dốc.
TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho biết, thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng liên tục giảm, thậm chí là tăng trưởng âm.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ có 2 dòng tiền chính cần lưu ý. Đó là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và từ tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, dòng tài chính, cụ thể là các vòng vốn liên quan đến ngân hàng, đang gặp khó khăn khi không có các khoản vay mới được giải ngân. Điều này dẫn đến tình trạng dòng lưu chuyển tài chính bị âm, qua đó phản ánh thực tế rằng các công ty đang thiếu vốn một cách nghiêm trọng, đồng thời cho thấy sự không nhất quán trong phối hợp giữa các công ty và ngân hàng.
Định hướng chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước năm 2025 tiếp tục là hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất và tỉ giá. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản nói riêng cần phải chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm, điều chỉnh giá bán phù hợp, hoạt động minh bạch để tận dụng tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ, ông Lệnh cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, nếu có thể tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thì sẽ giúp tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn cho sức khoẻ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.