Trường hợp nhà giáo nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 7 tuổi từ 1.1.2026
Trường hợp nhà giáo được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 7 tuổi từ 1.1.2026 căn cứ theo Luật Nhà giáo 2025.
Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập được quy định trong Luật Nhà giáo 2025. Ảnh: Phương Trang
Khoản 3 Điều 27 Luật Nhà giáo 2025 quy định:
Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập
1. Đối tượng có thể hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn bao gồm nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
2. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu; nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục.
3. Thời gian nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được quy định như sau:
a) Không quá 5 tuổi đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ;
b) Không quá 7 tuổi đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư;
c) Không quá 10 tuổi đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
4. Trong thời gian thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo quy định tại Khoản 3 Điều này, nhà giáo không giữ chức vụ quản lý.
5. Chính phủ quy định chi tiết quy trình, thủ tục nghỉ hưu ở tuổi cao hơn; việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với nhà giáo ở ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Như vậy, nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là Phó giáo sư được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tối đa là không quá 7 tuổi.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.