Những đứa trẻ bị cha mẹ biến thành máy kiếm tiền trên mạng xã hội
Những món tiền quảng cáo 'khủng' càng thúc đẩy nhiều bậc phụ huynh liên tục đăng tải video, hình ảnh của con lên mạng xã hội, bất chấp hệ lụy.
Bởi thế, ngay từ khi vẫn còn ở trong bụng mẹ, những đứa trẻ đã có thể vụt sáng thành "ngôi sao" nếu bức hình siêu âm dễ thương đủ hấp dẫn hoặc đi kèm với đó là câu chuyện do cha mẹ các em kể ra. Những đứa trẻ lớn hơn một chút cũng có cơ hội tỏa sáng không kém, chỉ cần là bố mẹ biết cách sáng tạo nội dung.
Hình ảnh, video nhiều lượt yêu thích, tài khoản được chú ý, bố mẹ của các em có thể "bật chế độ kiếm tiền".
Câu hỏi đặt ra là: Liệu những "ngôi sao nhí" trên mạng xã hội ấy có thực sự muốn được làm ngôi sao? Chúng có bị ép diễn trước ống kính? Có bị ép làm việc quá sức? Có được hưởng số tiền mà chúng kiếm được?
Đây thực sự là một vấn đề đáng quan tâm giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi.
Những "ngôi sao nhí" bất đắc dĩ trên mạng xã hội
Ngày nay, những đứa trẻ thậm chí chưa khóc tiếng khóc chào đời cũng có thể được cả triệu người biết đến nhờ vài tấm hình siêu âm 4D-5D "nét căng". Ngay từ năm 2010, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1/4 trẻ em đã có mặt trên mạng trước khi chúng chào đời. Và tất nhiên, không phải ai khác mà chính cha mẹ chúng đăng tải.
Các tài khoản của những "ngôi sao nhí" trên mạng xã hội do phụ huynh quản lý hiện phổ biến hơn bao giờ hết, trong một số trường hợp thậm chí còn mang lại những hợp đồng tài trợ sinh lợi và thu nhập từ doanh thu quảng cáo. Ngôi sao mạng xã hội Ryan Kaji, 12 tuổi, ở Mỹ là ví dụ rõ ràng.
Với những video hài hước, "đập hộp" đồ chơi nổi tiếng, kênh Youtube Ryan's World của cậu bé Ryan - do bố mẹ em quản lý - hiện có 35,5 triệu người đăng ký. Trước sức hút của con trai, gia đình Ryan còn xây dựng một thương hiệu đồ chơi riêng. Giá trị tài sản ròng cậu bé 10 tuổi sở hữu ước tính lên đến hàng chục triệu USD.
Ví dụ khác là Wren Eleanor - một ngôi sao TikTok. Cô bé có hơn 17 triệu người theo dõi trên tài khoản do mẹ là Jacquelyn quản lý. Các video chủ yếu bao gồm cảnh Wren làm những việc mà nhiều bạn cùng trang lứa cũng làm - tự mặc quần áo, tận hưởng những chuyến đi đến các lễ hội địa phương và thử các hoạt động mới như trượt băng và đạp xe...
Hay như chuyện của cô bé nổi tiếng nước Nga Anastasia Radzinskaya (còn được gọi là Nastya) - một trong những nhà sáng tạo nội dung YouTube nhỏ tuổi nhưng kiếm tiền khủng nhất hiện nay.
Anastasia được chẩn đoán mắc chứng bại não bẩm sinh. Bố mẹ cô bé đã quyết định thành lập một kênh vlog nhằm lưu lại những khoảnh khắc đẹp và quá trình điều trị của con gái. Anastasia dần trở thành "ngôi sao" YouTube. Các video của cô bé chiếm cảm tình của người xem nhờ những khoảnh khắc tinh nghịch, đáng yêu khi chơi đùa, học tập, nấu ăn...
Theo Forbes, với thu nhập khủng ước tính gần 428 tỷ VNĐ trong năm 2020, Nastya đã góp mặt trong danh sách 10 "ngôi sao" YouTube kiếm nhiều tiền nhất. Cô bé đứng ở vị trí thứ 7.
Những số tiền "trong mơ" và ánh hào quang của sự nổi tiếng càng thúc đẩy nhiều bậc phụ huynh liên tục đăng tải những video, hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội, mong thu hút tiền quảng cáo. Tất nhiên, không ai có thể biết chắc rằng những đứa trẻ đồng ý sẵn sàng để hình ảnh của mình lên mạng. Thậm chí, chúng còn quá nhỏ để hiểu được bản chất vấn đề, để tự "gật" hay "lắc" đầu nếu được hỏi ý kiến.
Một hình thức lạm dụng sức lao động trẻ em?
Kể từ khi bùng nổ trào lưu "vlog gia đình" vào những năm 2010, nhiều bậc cha mẹ theo đuổi mục tiêu trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng thông qua YouTube. Chẳng hạn như các gia đình sở hữu kênh Youtube nổi tiếng như "The Shaytards, Not Enough Nelsons" và "The Ace Family".
Họ đã thu hút được hàng triệu người đăng ký với những video đơn giản ghi lại các thói quen buổi sáng, truyền thống trong ngày lễ và thậm chí cả những lần đến phòng cấp cứu của các con...
Kiếm được tiền từ khi còn rất nhỏ nhưng các chuyên gia cảnh báo các "kidfluencer" (những đứa trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) có thể đối mặt với tình trạng kiệt sức, bị gia đình bóc lột tài chính, thiếu an toàn và mất quyền riêng tư...
Tháng 5/2022, Ủy ban Nghị viện Anh công bố báo cáo về những người có ảnh hưởng đến trẻ em, nhấn mạnh không phải tất cả các bậc cha mẹ đều hành động vì lợi ích cho con cái. Nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu lên tiếng về việc này.
Catalina Goanta, phó giáo sư luật tại Đại học Maastricht (Hà Lan) cũng đặt câu hỏi số tiền những đứa trẻ kiếm được sẽ đổ về đâu khi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội kiếm được hàng trăm, thậm chí hàng triệu USD.
Ngày 3/5/2023, tiến sĩ Catherine Archer của Đại học Edith Cowan (Australia) kêu gọi các nhà chức trách cần có biện pháp siết chặt các quy định về việc cho trẻ nhỏ hoạt động trên mạng xã hội, với tư cách là những influencer (người có ảnh hưởng) được trả phí.
Theo hãng tin NBC News, “Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng Mỹ năm 1938 đề cập đến "lao động quá sức ở trẻ em", cũng như Đạo luật Coogan của bang California (Mỹ), bảo vệ các diễn viên nhí, nhưng đều không được cập nhật để bao gồm những đứa trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội”. Theo Bộ Lao động Mỹ, 17 bang của nước này không hề quản lý hoạt động giải trí có liên quan đến trẻ em.
Năm 1939, có một đạo luật mang tên Luật Coogan (được đặt tên theo diễn viên nhí Jackie Coogan), được thông qua ở bang California (Mỹ). Đây là kết quả của vụ kiện do cựu diễn viên nhí Jackie Coogan chống lại mẹ và cha dượng của anh vào năm 1938.
Khi bước sang tuổi 21, nam diễn viên (đóng cùng Charlie Chaplin trong bộ phim hài câm “The Kid” năm 1921) biết được cha mẹ đã phung phí số tiền 21 triệu USD (tương đương 507 tỷ VNĐ theo tỷ giá hiện tại) mà mình kiếm được sau nhiều năm làm việc không biết mệt mỏi trên trường quay. Coogan đã kiện cha mẹ và chỉ được hưởng 126.000 USD (3 tỷ VNĐ) trong số tiền ít ỏi còn lại.
Sau nhiều thập kỷ vận động hành lang và điều chỉnh, Đạo luật Coogan ngày nay yêu cầu phải có các hợp đồng dành cho các diễn viên và người biểu diễn là trẻ em. Trong đó quy định, người giám hộ phải dành một phần thu nhập của chúng cho vào quỹ ủy thác hoặc tài khoản mà chỉ có thể truy cập được khi chúng đủ 18 tuổi.
Đạo luật tương tự cuối cùng đã được thông qua để bảo vệ các diễn viên nhí ở các bang khác, bao gồm New York, Illinois, Louisiana và New Mexico.
“Khi bạn cho rằng những đứa trẻ xuất hiện trên các bài đăng mạng xã hội xứng đáng được bảo vệ như những đứa trẻ là diễn viên, thì sẽ không khó để tiến xa hơn thêm bước nữa trong luật pháp. Chúng xứng đáng được bảo vệ nhiều hơn vì danh tính, cuộc sống của chính chúng đang bị phơi bày trước thiên hạ”, nhà xã hội học kiêm nhà văn Hilary Levey Friedman bày tỏ quan điểm trong bài luận gần đây.
Sally Greenberg, giám đốc điều hành của Liên đoàn Người tiêu dùng Quốc gia Mỹ, đồng ý rằng cần có nhiều biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn cho những đứa trẻ là ngôi sao mạng xã hội.
"Luật pháp phải được tăng cường để đảm bảo trẻ em không bị bóc lột và lạm dụng. Giờ làm việc phải được giới hạn để đảm bảo sự phát triển giáo dục của trẻ không bị suy giảm và những người tham gia là trẻ em phải được hưởng một phần tiền thu được, đưa vào quỹ ủy thác cho nhu cầu trong tương lai của chúng”, bà Sally Greenberg nói.
Hãy để con có quyền tự quyết
Fran Walfish, một nhà trị liệu tâm lý trẻ em ở Los Angeles (Mỹ), nói với tờ tin tức Today rằng cô đã làm việc với cả các diễn viên nhí và những đứa trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô nhấn mạnh rằng cần có luật bảo vệ cho tất cả.
Walfish nói: "Tôi đồng ý rằng việc bảo vệ danh tính là rất quan trọng". Cô giải thích: "Những đứa trẻ dần lớn lên và sẽ trải qua các giai đoạn phát triển tâm lý quan trọng. Mà vấn đề cốt lõi bên trong là phát triển ý thức về bản thân. Điều đó không chỉ có nghĩa là lòng tự trọng. Đó là cảm giác 'Tôi là ai trên thế giới này? Tôi là ai trong mối quan hệ với gia đình và với những người khác?' Và nó bao gồm một hệ thống giá trị, đạo đức".
Còn nhà xã hội học Friedman nói rằng: "Rất nhiều bậc cha mẹ chia sẻ hình ảnh con cái của họ trên mạng xã hội. Khi những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ nói, 'Con không muốn bố/mẹ chia sẻ điều đó, bởi vì đó là cuộc sống của con'".
Thời điểm này, Pháp dường như là quốc gia duy nhất có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho những đứa trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Theo đó, trẻ em dưới 16 tuổi chỉ có thể làm việc trong thời gian giới hạn, đồng thời thu nhập của các em phải được giữ trong tài khoản cho đến khi chúng đủ 16 tuổi và có quyền tự quyết.
Bên cạnh đó, những ngôi sao nhí trên mạng xã hội cũng có quyền yêu cầu các nền tảng gỡ bỏ hình ảnh của mình mà không cần ý kiến của phụ huynh.
Thông điệp của Walfish gửi tới các bậc cha mẹ là nên suy nghĩ sâu sắc về cách thức họ quyết định mọi thứ liên quan đến con mình.
Cô khuyên: "Hãy thực sự suy nghĩ kỹ nếu bạn là cha mẹ và bạn có một đứa con tài năng. Hãy nuôi dưỡng chúng bằng những bài học, cả ở nhà và ở trường, đồng thời khẳng định với con rằng 'Khi con đủ18 tuổi, con sẽ tự đưa ra quyết định và lựa chọn' về mạng xã hội".