A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồ hộp, mì ăn liền, nước súc miệng… "lên ngôi" giữa đại dịch COVID-19

Với hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà giữa đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như Sợi ăn liền (+67%), Thực phẩm đông lạnh (+40%) và Xúc xích tiệt trùng (+19%). Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh này, thói quen sinh hoạt của người dân đang có những thay đổi lớn. Ghi nhận ngay sau thông tin về ca nhiễm thứ 17, hàng loạt người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ từ gạo, nước, mì tôm, trứng… đến các sản phẩm vệ sinh cá nhân như nước rửa tay, giấy lau, khẩu trang…

Chính quyền cũng khuyến khích người dân hạn chế mua sắm trực tiếp, thay thế có thể đặt giao hàng. Kết quả, hàng loạt chính sách bán hàng online được các hãng tung trong những ngày gần đây, ghi nhận đơn hàng trực tuyến tại một số hệ thống bán lẻ cũng gia tăng đột biến.

45% ứng viên phản hồi dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây

Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen hợp tác với Infocus Mekong Mobile Panel, COVID-19 không những tác động đến hành vi chung mà còn đến cả việc mua sắm và các kênh ăn uống ngoài. Khảo sát được thực hiện vào ngày 21/2/2020 với 500 đáp viên sinh sống ở Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.

Ghi nhận, 45% đáp viên phản hồi rằng họ đang dự trữ thức ăn tại nhà nhiều hơn trước đây. Những cửa hàng hiện hữu bị tác động mạnh, với 50%+ người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, 25% số người được hỏi nói rằng họ đã tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài. Ông Mohit Agrawal, Giám Đốc bộ phận Thấu hiểu Hành vi Người tiêu dùng nhận xét: "Người Việt Nam hiện nay đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến".

Đồ hộp, mì ăn liền, nước súc miệng… lên ngôi giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

 

Bức tranh ngành hàng: Người được và kẻ mất

Cùng với những thay đổi trong việc mua sắm và tiêu dùng, người tiêu dùng đã phản hồi rằng sự tiêu thụ của họ đối với một số ngành hàng cũng ảnh hưởng và thay đổi nhất định.

Với hành vi lưu trữ thức ăn tại nhà, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như Sợi ăn liền (+67%), Thực phẩm đông lạnh (+40%) và Xúc xích tiệt trùng (+19%). Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.

Thêm vào đó, ngành Chăm sóc vệ sinh cá nhân (Nước súc miệng +78%, Chăm sóc cơ thể +45% và Khăn giấy +35%) và Chăm sóc nhà cửa cũng được tiêu thụ nhiều hơn vì mọi người đang quan tâm và bảo vệ sức khỏe của mình trước COVID-19.

"Các nhà tiếp thị nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích người tiêu dùng duy trì những thói quen tốt lâu dài hơn. Điều này có thể được thực hiện bằng cách giáo dục người tiêu dùng về lợi ích cùng với chiến lược thị trường phù hợp - luôn hiện hữu ở đúng nơi với giá cả hợp lý", ông Mohit cho biết.

Mặt khác, mọi người có sự e dè với những ngành hàng như thịt tươi, rau tươi và hải sản trong suốt thời kỳ dịch bệnh này. Đối với ngành Đồ uống, Bia và Nước ngọt đều có xu hướng tiêu thụ giảm.

"COVID-19 đang có ảnh hưởng rõ ràng đến đời sống của người tiêu dùng, tuy nhiên chúng ta có thể mong chờ sự phục hồi nhanh chóng vì niềm tin cao của người tiêu dùng Việt Nam. Sức tiêu thụ sẽ có thể quay trở lại sau khi dịch bùng phát, nên những nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên chuẩn bị đủ nguồn cung cho giai đoạn này" - ông Nguyễn Anh Dzũng, Trưởng bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam chia sẻ.

Đồ hộp, mì ăn liền, nước súc miệng… lên ngôi giữa đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

 

Nhìn chung, khảo sát này cho kết quả rằng người Việt Nam đang có nhận thức rất cao về nguồn gốc và triệu chứng của COVID-19. Họ tiếp tục theo dõi các tin tức cập nhật về dịch bệnh này nhiều lần mỗi ngày (65%) với top 3 nguồn thông tin là truyền thông mạng xã hội (82%), tin nhắn từ Bộ Y Tế (79%) và tin tức trên ti vi (78%). Bên cạnh đó, 95% đáp viên nói rằng họ cảm thấy lo sợ trước COVID-19 nhưng không nghĩ rằng nguy cơ lây lan sẽ ở mức cao tại Việt Nam. Thời gian mà mọi người nghĩ dịch bệnh sẽ kéo dài là từ 2 đến 3 tháng.

Người Việt Nam không chỉ nhận thức rõ về ý thức phòng dịch mà họ còn đang có những hành động bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh này. Họ đeo khẩu trang bất kể khi nào ra khỏi nhà (89%), rửa tay thường xuyên với xà phòng sát khuẩn (87%) và tránh tụ tập ở những nơi công cộng hoặc đông người (81%).

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan