Dịch tả lợn hoành hành, giám sát việc tiêm vaccine để tránh lây lan
Sau một thời gian được kiểm soát, hiện tại dịch tả lợn châu Phi lại tái bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn phường Quảng Phú, Đà Nẵng. Ảnh: Trường An
20/34 tỉnh, thành có ổ dịch chưa qua 21 ngày
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ, tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học.
Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố. Số lợn mắc bệnh là hơn 29.642 con, số lợn chết và tiêu hủy là 30.462 con. Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) chưa qua 21 ngày, số lợn mắc bệnh là 19.699 con, số lợn chết và tiêu hủy là 20.280 con.
Bên cạnh việc dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người dân nhiều tỉnh, thành cũng phản ánh việc xác lợn bị vất bừa bãi ra đường hay thả trôi sông, kênh mương gây ô nhiễm môi trường và làm tăng thêm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo phản ánh của người dân xã Cẩm Duệ, tỉnh Hà Tĩnh, những ngày gần đây, họ phát hiện xác lợn chết vứt trên kênh N5 đoạn giữa thôn 1 với thôn 2 xã Cẩm Duệ. Xác lợn chết đã phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối.
Những ngày gần đây, phóng viên Báo Lao Động cũng ghi nhận tình trạng xác lợn chết vứt đầy hai ven đường tại xã Tản Lĩnh cũ (nay là xã Suối Hai, TP Hà Nội). Nhiều xác lợn đã phân hủy gần hết, có xác lợn vừa mới được vứt ra đường. Tình trạng ô nhiễm nặng nề, mùi hôi thối bốc lên khiến người đi đường đều kinh sợ.
Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã tổ chức thu gom tiêu hủy. Thế nhưng, việc tiêu hủy lại khiến người dân lo ngại, khi hố tiêu hủy nằm sát ven đường, người dân qua lại rất đông. Hơn nữa, sau khoảng 4 ngày chôn lấp, hố tiêu hủy này đã có dấu hiệu rò rỉ, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng tập trung, gây ô nhiễm cả một vùng.
Vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh
Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh trên hệ thống đang diễn ra phổ biến, làm lây lan dịch bệnh và thách thức nghiêm trọng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả cho lợn thịt, nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Cùng với đó, phía Cục Chăn nuôi và Thú y thừa nhận hệ thống thú y địa phương còn thiếu và yếu nên chưa kịp thời thực hiện được công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại một số địa phương. Các chế tài xử phạt còn chưa được thực hiện nghiêm túc, thiếu tính răn đe.
Trong thời gian tới, phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát và sửa đổi quy định pháp luật về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để tăng nặng mức phạt đối với hành vi giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh, vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, giết mổ lợn, buôn bán lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, giám sát chặt chẽ các lò mổ, đảm bảo chỉ giết mổ lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Áp dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại lò mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, hiện tại virus dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện chủng mới với tỉ lệ gây chết ở lợn cao hơn. Phía bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với doanh nghiệp và một số nước trên thế giới để cắt gen chủng virus mới này để chủ động chế tạo vaccine. "Chỉ có vaccine kết hợp với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh mới là biện pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới tiêm được khoảng hơn 4 triệu liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên trong thời gian tới cần tuyên truyền, vận động để tỉ lệ tiêm vaccine được cao hơn, tạo thành lớp bảo hộ chắc chắn hơn" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.