A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo động chất lượng không khí ở Hà Nội

Thời gian vừa qua, các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục lọt tốp các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Các chuyên gia cảnh báo nồng độ bụi mịn PM2.5 và PM10 trung bình trong không khí gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người ở mức báo động.

Báo động chất lượng không khí ở Hà Nội

Các tòa nhà cao tầng chìm trong lớp bụi mịn mù mịt như sương tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 14.7. Ảnh: Thùy Linh

Thủ đô liên tục lọt tốp thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới

Trong những ngày qua, chất lượng không khí của Hà Nội tiếp tục trong tình trạng xấu. Chị Đoàn Phương Lan (phường Tây Mỗ, TP Hà Nội) cho biết, mỗi buổi sáng chị và người thân rất dễ bị căng thẳng mỗi khi nhìn vào chỉ số bụi mịn, ô nhiễm không khí ở Hà Nội qua màn hình điện thoại. "Mấy hôm nay trời Hà Nội ô nhiễm thấy rõ. Sáng thức dậy nhìn thấy các tòa chung cư mờ mịt. Các con nghỉ hè ở nhà nhưng nhà tôi không dám mở cửa sổ hay cửa ban công, cả ngày đóng cửa bật điều hòa, bật máy lọc không khí. Có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác sống mà chưa có khả năng" - chị Lan nói.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam chia sẻ với Báo Lao Động về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Phan Anh
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam chia sẻ với Báo Lao Động về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Ảnh: Phan Anh

Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: Đúng là mấy ngày gần đây chất lượng không khí của Hà Nội rất xấu, dù không phải mùa cao điểm. Trong những năm qua, đặc biệt vào mùa Đông, số liệu quan trắc chất lượng không khí thể hiện bụi mịn PM2.5 luôn ở mức cao, các chỉ số AQI hàng giờ, hàng ngày luôn ở mức đỏ, mức tím, mức nâu là rất đáng báo động.

"Đáng lo ngại hơn, các chỉ số này không có dấu hiệu giảm mà lại tăng lên về nồng độ và số ngày trong năm, vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại sao nồng độ này cao? Là do chúng ta kiểm soát nguồn thải chưa tốt. Nguồn thải từ các hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất, giao thông... Tại Hà Nội, chúng tôi xác định các nguồn ô nhiễm như sản xuất công nghiệp, hai là từ phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều, xây dựng, đốt rác..." - TS. Hoàng Dương Tùng nói.

"Trong đó, nguồn phương tiện giao thông cá nhân gồm ôtô, xe máy... là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí. Điều này đã được chứng minh khoa học, phản ánh xu thế của thế giới, rằng trong nội đô của các thành phố khác, không riêng gì Hà Nội, vì thế, các thành phố trên thế giới đều áp dụng nhiều phương pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí" - TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.

Mức độ ô nhiễm bụi không khí tỉ lệ thuận với tỉ lệ người mắc ung thư

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã cho thấy mối tương quan tỉ lệ thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỉ lệ người mắc ung thư. Cụ thể là mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỉ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỉ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.

PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch.

Những hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể, làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Chúng là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ. Ngoài ra, các chuyên gia của Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Đáng chú ý, nguồn sinh ra PM10, PM2.5 ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường xá và nhà máy công nghiệp.

Theo chuyên gia, một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm là xe máy xăng, cũng như ôtô chạy xăng dầu với lượng phát thải lớn. Do đó việc chuyển đổi xe chạy xăng, dầu sang xe điện cũng như giải pháp phát triển giao thông công cộng là một đòi hỏi bức thiết.

Nhằm góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị nêu rõ, thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1.7.2026 không có xe máy chạy xăng trong Vành đai 1.

Từ năm 2028 không có xe máy, hạn chế xe ôtô cá nhân chạy xăng lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

"Với chính sách này, một lần nữa, Đảng và Chính phủ đã thể hiện quyết tâm, quyết liệt đến cùng trong việc giải quyết vấn đề môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí với những quy định rõ ràng các biện pháp, đưa ra lộ trình, quy định rõ thời điểm cụ thể triển khai các giải pháp... Đồng thời có phân công cụ thể cho các địa phương, các ngành để triển khai" - TS. Hoàng Dương Tùng nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết