Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt các dịch bệnh
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 225 trường hợp mắc tay chân miệng.
Các địa phương có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi
Về tình hình dịch bệnh dịp Tết Giáp Thìn, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được báo cáo trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán |
Hiện có 5 địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm: Tiền Giang (11 ổ dịch), An Giang (9 ổ dịch), Tây Ninh (8 ổ dịch), Bến Tre (6 ổ dịch), TP Hồ Chí Minh (3 ổ dịch).
Cũng trong khoảng thời gian này, cả nước ghi nhận 225 trường hợp mắc tay chân miệng trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong.
Từ ngày 8 - 14/2/2024, cả nước không ghi nhận ca mắc COVID-19, sởi, đậu mùa khỉ, cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), MERS-CoV; ghi nhận 1 trường hợp bệnh Dại trên người đã tử vong tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, giám sát và tham gia xử lý theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán và triển khai, xây dựng các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực y tế như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 của Quốc hội; xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bộ Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh; có phương án thường trực, sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch và thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Lễ hội Xuân năm 2024.
Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp
Miền Bắc đang vào giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là điều kiện thuận lợi khiến các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, người dân không nên lơ là, chủ quan mà cần cảnh giác phòng ngừa từ sớm, từ xa trước các loại dịch bệnh.
Virus hợp bào hô hấp là nguyên nhân nhiều trẻ em phải nhập viện dịp Tết |
Bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) bùng phát mạnh vào mùa Đông - Xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè. RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Mùa Đông - Xuân là thời điểm virus hợp bào hô hấp (RSV) rất dễ lây lan, gây thành dịch; nhất thời điểm Tết và mùa lễ hội, nhu cầu người dân đi lại, du xuân, đến các đám đông tăng cao.
Các chuyên gia cảnh báo, hiện đang trong dịp Tết và mùa lễ hội, người dân đi chơi, đi du xuân đến các đám đông khiến nguy cơ lây lan các dịch bệnh rất cao; trong đó có bệnh do virus RSV gây bệnh đường hô hấp.
Theo các chuyên gia y tế, cũng giống như nhiều virus gây bệnh đường hô hấp khác, virus RSV có thể lây lan qua các giọt bắn có chứa virus từ người bệnh qua ho, hắt hơi…; qua tiếp xúc gián tiếp với các bề mặt có chứa virus hoặc quần áo, vật dụng của người bị bệnh, bàn tay người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng; khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người nhiễm RSV thông qua thơm hôn hoặc mớm thức ăn...
Các đối tượng nhiễm virus RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng bao gồm: Trẻ sinh non; trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi); trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh; trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch;
Người cao tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên; người bị hen suyễn, suy tim sung huyết, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); người bị suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, ung thư máu hoặc HIV/AIDS.
Cùng với nguy cơ bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp gia tăng, thông thường vào thời điểm sau Tết dễ phát sinh các vấn đề về sức khỏe do lịch sinh hoạt, ăn uống bị đảo lộn, nhu cầu đi lại, tình trạng lạm dụng rượu, bia của người dân gia tăng.
Những xáo trộn trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cùng tâm lý mải vui trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán khiến không ít người mắc bệnh mạn tính lơ là theo dõi, kiểm soát bệnh. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra các biến chứng trầm trọng, gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.