A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng để chuyển đổi xanh

Một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm là xe máy xăng, cũng như ôtô chạy xăng, dầu với lượng phát thải lớn. Do đó việc chuyển đổi xe chạy xăng, dầu sang xe điện cũng như giải pháp phát triển giao thông công cộng là một đòi hỏi bức thiết.

Tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng để chuyển đổi xanh

Chuyên gia giao thông TS. Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Metro Hà Nội. Ảnh: Phan Anh

Xu thế không thể đảo ngược

Nhằm góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg nêu rõ, thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1.7.2026 không có xe máy chạy xăng trong Vành đai 1.

Từ ngày năm 2028 không có xe máy, hạn chế xe ôtô cá nhân chạy xăng lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Để có góc nhìn đa chiều về việc chuyển đổi phương thức giao thông hướng tới giao thông xanh, ngày 17.7, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm Chuyển đổi giao thông xanh: Xu thế không thể đảo ngược.

Tại buổi Tọa đàm, chuyên gia giao thông TS. Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Metro Hà Nội cho biết: "Vấn đề phát triển bền vững đã được đặt ra từ lâu, trong Nghị quyết của Trung ương từ khóa IX, được nêu rõ trong Nghị quyết của các Đại hội X, XI, XII, XIII về mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Các Nghị quyết này được thể chế hóa bằng các Luật, cụ thể là các Luật, văn bản hướng dẫn luật bảo vệ môi trường. Những yêu cầu về phát triển bền vững đó còn được đưa vào trong những chiến lược phát triển kinh tế xã hội, theo các nhiệm kỳ của Đại hội, được đưa vào các quy định liên quan đến các ngành kỹ thuật như giao thông, xây dựng, thương mại...".

TS. Hùng cho biết, đơn cử tiêu chuẩn về phát thải. Nếu trước đây Việt Nam chưa có quy chuẩn về phát thải ở xe ôtô, thì dần dần đã có quy chuẩn, và mới nhất, thông qua cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 có quyết định Chỉ thị của Thủ tướng về chuyển đổi xanh trong giao thông. Rồi tiêu chí chuyển đổi xanh được áp vào tất cả các lĩnh vực, vì muốn hướng đến phát thải ròng bằng 0 thì không chỉ có riêng ngành giao thông mà có nhiều ngành nghề cùng thực hiện. Net Zero cũng là một trong những mục tiêu để bảo vệ môi trường.

"Các chính sách liên tục được ban hành, là một sự nối tiếp từ chủ trương, các văn bản của Đảng, được thể chế hóa bằng Luật, văn bản hướng dẫn. Giao thông xanh với xe bus điện, tàu điện, xe máy điện... không còn chỉ là văn bản quy phạm pháp luật mà đã hiện hữu trong đời sống của chúng ta, tiến tới mục tiêu chuyển đổi xanh" - TS. Khuất Việt Hùng nói.

Cần triển khai đồng bộ, tổ chức giao thông thuận lợi cho người dân

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Ngô Việt Dũng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ôtô thể thao Việt Nam cho rằng: "Tôi cho rằng tại các đô thị lớn, vấn đề phát thải từ giao thông là một trong những vấn đề chính. Khi Chỉ thị của Thủ tướng đi vào thực tế, sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thay đổi trong đời sống, trong nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Vùng Vành đai 1 là trung tâm của thành phố Hà Nội, ngoài người dân sinh sống ở đó thì cán bộ công chức Nhà nước, người dân đi làm ở đó cũng rất đông, chưa kể lượng du khách cũng rất lớn... Bên cạnh việc hướng tới mục tiêu chung, tôi mong muốn Hà Nội sẽ triển khai làm sao để cuộc sống người dân không ảnh hưởng nhất có thể. Tôi cũng như nhiều người dân khác đều mong muốn sẽ nhận được chính sách hỗ trợ để có thể nhanh chóng chuyển đổi xanh. Ngoài ra, tôi cho rằng cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để tổ chức về giao thông, về các điểm đỗ xe, sạc điện... làm sao thật thuận lợi cho người dân".

"Bầu không khí trong lành, một đô thị xanh sạch đẹp, văn minh là mong muốn của đông đảo người dân. Tôi cho rằng, Chỉ thị 20 của Thủ tướng sẽ giúp cho người dân nhận thức được đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, cần phải thay đổi tư duy, thay đổi thói quen, không thể chần chừ được nữa" - TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Theo nhận định của chuyên gia này, để triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, TP Hà Nội đã ban hành ngay các chính sách kịp thời, đúng hướng, giúp người dân yên tâm, đồng hành trong việc hướng tới mục tiêu chung. Việc hỗ trợ người dân cũng đã được cụ thể hóa. Sắp tới các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng được ban hành, việc sạc pin, đổi pin cho xe điện cũng sẽ có quy định, để người dân bớt lo âu.

"Một việc cực kỳ quan trọng là tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng, sẽ mở rộng các tuyến giao thông công cộng chạy bằng điện, xe bus nhỏ làm sao tiện lợi cho nhân dân khi chuyển đổi. Việc tuyên truyền chính sách, mục tiêu của Nhà nước cũng là một trong những biện pháp cần thiết, và đang được triển khai" - TS. Tùng nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết