A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung chặn buôn lậu, gian lận thương mại trên các địa bàn, mặt hàng trọng điểm

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới gia tăng ở khu vực biên giới đường bộ Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia như tại địa bàn Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang. Khu vực vùng biển Đông Bắc vẫn còn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép Dầu Diesel không có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp và sản phẩm gia cầm như địa bàn trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh.

Các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn nhiều vu vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý. Ảnh: internet

Các lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn nhiều vu vận chuyển trái phép hàng hoá, ma tuý. Ảnh: internet

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam...  Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc (như Cao Bằng), Việt Nam – Campuchia (như Bình Phước, Long An, Đồng Tháp...)

Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại 03 tuyến. Trong đó, số lượng các vụ việc mua bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không tiếp tục gia tăng. Hoạt động của các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại, tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn rủi ro nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.

Qua công tác quản lý, theo dõi tình hình gian lận thuế thời gian qua nổi lên một số hoạt động như: tình trạng kinh doanh, mua bán, vận chuyển, lưu giữ... hàng hóa không có hóa đơn chứng từ; sử dụng hóa đơn, chứng từ giả, không hợp pháp. Tình trạng người nộp thuế lợi dụng việc hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước (viết tắt là ngân sách nhà nước). Một số tổ chức, đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả và trốn thuế...

Đấu tranh ngăn chặn trong tình hình mới

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn mới và tinh vi hơn, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu. 

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với một số mặt hàng trọng điểm như ma tuý, hàng quá cảnh, hàng hoá vận chuyển độc lập; thiết bị điện tử viễn thông... Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Thường trực 389 Quốc gia kiểm tra đôn đốc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương.

Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu. Ảnh: internet

Lực lượng hải quan kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu. Ảnh: internet

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về thuế và pháp luật hải quan.

Chỉ tính từ ngày 15/06/2024 đến ngày 14/9/2024, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 4.748 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 7.584 tỷ đồng, tăng 222,6% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan hải quan đã khởi tố 10 vụ, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 39 vụ, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 114 tỷ đồng, tăng 101,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đấu tranh phòng, chống ma tuý, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 62 vụ/80 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 18 vụ; Công an 33 vụ, Biên Phòng 11 vụ. Tang vật thu được là 331,59 kg ma tuý các loại gồm: 46,19 kg cần sa; 10,94 kg heroin; 66,96 kg ktamine; 4,5 kg cocain 205,44 kg ma túy tổng hợp; 2,06 kg ma tuý loại khác. 

Cũng trong thời gian trên, toàn ngành Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra được 20.311 doanh nghiệp và kiểm tra tại trụ sở Cơ quan thuế được 121.336 hồ sơ khai thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 22.885 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.686 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 3.839 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của ngành Tài chính còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình như những khó khăn trong việc xử lý tài sản tịch thu liên quan đến mặt hàng gỗ, xăng dầu do quy định pháp luật hiện hành không phù hợp với thực tiễn và thỏa thuận quốc tế Việt Nam tham gia; trong công tác bảo quản tang vật, vật chứng vụ án do cơ quan hải quan chuyển cơ quan cảnh sát điều tra nhưng chưa được tiếp nhận. Ngoài ra, còn có tình trạng xung đột, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan hải quan với một số lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan như biên phòng, công an cửa khẩu, an ninh hàng không...

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh trong tình hình mới trên các tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa, cảng hàng không quốc tế, hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là đối với một số mặt hàng trọng điểm như ma túy, thuốc nổ, vàng, ngoại tệ, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xăng dầu… Từ đó, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng. Đặc biệt là xây dựng và triển khai Kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.


Tác giả: Trần Huyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết