A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý trên không gian mạng cũng phải như ngoài đời thực

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc quản lý trên không gian mạng không khác gì không gian thực.

Quản lý trên không gian mạng cũng phải như ngoài đời thực

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng quản lý trên không gian mạng cũng như ngoài đời thực. Ảnh: Phạm Thắng

Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội hôm 12.11 về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một ý rất hay và mới.

Ông nói rằng không gian mạng cũng giống như không gian thực. Nếu không gian thực có các bộ, ngành, và địa phương quản lý thì không gian mạng cũng cần sự quản lý từ các bộ, ngành và địa phương; nếu thế giới thực có các quốc gia thì không gian mạng cũng được phân chia thành các "quốc gia".

Vì vậy, “chỉ khi nào mỗi nhà quản lý công việc của mình trên không gian mạng, giống như cách mà họ quản lý trong thế giới thực, thì không gian mạng mới thực sự lành mạnh”.

Nhận định như vậy là chính xác và hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, nhiều vấn đề nóng xảy ra trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác như Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Y tế…

Vấn đề nữa là hiện nay, thực tiễn yêu cầu một số bộ, ngành phải quản lý, chịu trách nhiệm về các vấn đề gây bức xúc dư luận trên mạng, ví dụ như quảng cáo sai sự thật về thuốc và sản phẩm sức khỏe.

Thế nhưng, các bộ, ngành liên quan lại chưa được giao nhiệm vụ cụ thể để quản lý những lĩnh vực của mình trên không gian mạng.

Điều này có nghĩa là các vấn đề hiện đang được xử lý theo tâm thế "tự thấy trách nhiệm".

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các bộ, ngành và địa phương tới đây cần tham gia vào môi trường mạng để quản lý lĩnh vực của mình. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ công cụ giám sát, thậm chí đào tạo nhân lực nếu cần.

Nhân nói đến vấn đề quản lý trên không gian mạng, cần bàn thêm về thái độ và trách nhiệm của công dân khi tham gia môi trường này, sao cho giống như ngoài đời thực, nhất là khi các tài khoản gần như đều đã được định danh qua số điện thoại hoặc căn cước công dân.

Hiện nay, phần lớn người dân sử dụng mạng xã hội cho việc sinh hoạt, làm ăn, vui chơi, mua sắm… nhưng vẫn dễ dãi khi tự khai báo thông tin cá nhân, nhiều lúc không cần thiết. Như Bộ trưởng Hùng chia sẻ, thậm chí ông đi thay kính mắt cũng bị hỏi về nghề nghiệp và yêu cầu khai báo thông tin cá nhân.

Việc dễ dãi khi tự khai báo thông tin là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc rò rỉ thông tin cá nhân, tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo, đe dọa trên mạng như đã thấy trong thời gian qua.

Đã qua rồi cái thời coi không gian mạng là nơi "ảo" nên không cần nghĩ đến trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm quản lý, hay ý thức tự bảo vệ bản thân.

Không gian mạng bây giờ có khi còn thực và khắc nghiệt hơn cả ngoài đời thực nhiều lần!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan