A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những sản phẩm thêu tay OCOP vươn tầm quốc tế

Khởi nghiệp từ quê hương Mỹ Đức (Hà Nội) với nghề thêu tay truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở tranh thêu Hằng Khoa đã có tới 5 sản phẩm tranh thêu tay được phân hạng OCOP được đông đảo người dân trong và ngoài nước biết đến.

Tâm huyết với từng sản phẩm thêu tay thủ công

Sinh ra tại cái nôi của nghề thêu ở quê hương Mỹ Đức thuộc Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Từ bé, chị Hằng đã lớn lên cùng với đường kim mũi chỉ nên những hình ảnh tỉ mẩn, miệt mài bên khung thêu cứ thế đi vào hơi tâm trí chị một cách tự nhiên như hơi thở.

Những kỹ thuật thêu cơ bản từ đến phức tạp như: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt, khoắn vảy, thêu chăng chặn... chị đã thuần thục ngay từ sớm.

Những sản phẩm thêu tay OCOP vươn tầm quốc tế

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng gắn bó với khung thêu hơn 20 năm

Tuy nhiên, trước sự thay đổi của kinh tế thị trường và quá trình đô thị hoá, nghề thêu truyền thống ở làng quê dần bị mai một trước sức ép của các sản phẩm công nghiệp, chị Nguyễn Thị Hằng quyết định mở cơ sở tranh thêu Hằng Khoa (thương hiệu Hằng Khoa Art, Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Hơn 20 năm gắn bó với nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng luôn trăn trở về giá trị văn hóa mà nghề thủ công này mang lại.

Bằng việc đưa hội họa vào tranh thêu, nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng cùng chồng là họa sĩ đã sáng tạo nên một phương pháp mới lạ, độc đáo. Đây là phương pháp mang lại điểm khác biệt cho sản phẩm của cơ sở tranh thêu tay Hằng Khoa.

Suốt hơn 20 năm cố gắng, bền bỉ và không ngừng sáng tạo, những bức tranh của chị đã tỏa đi nhiều quốc gia thuộc thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á…, không chỉ bởi sản phẩm đẹp, mẫu mã độc đáo mà còn mang những nét đẹp đặc trưng của làng nghề truyền thống Hà Nội.

Trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới của các chủ thể gồm: HTX thêu tay Mỹ Đức có 5 sản phẩm (Tranh thêu tay quốc hoa đón xuân; Tranh thêu tay Văn Miếu Quốc Tử Giám; Tranh thêu tay chùa Một cột; Tranh thêu tay Hoa hướng dương; Tranh thêu tay Thiền Sen).

Chị Hằng cho biết thêm: Các sản phẩm thêu ren luôn được Hằng Khoa Gallery tuyển chọn kỹ càng, chú trọng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi tham gia chương trình OCOP, chúng tôi càng hiểu rõ và nâng cao trách nhiệm chuẩn hóa các sản phẩm, chú trọng chất lượng sản phẩm thêu ren, đổi mới mẫu mã, cập nhật theo thị trường nhưng vẫn luôn dựa trên những giá trị văn hóa đã được gây dựng từ trước. Các sản phẩm không chỉ giúp người tiêu dùng sử dụng hiệu quả công năng mà vẫn lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống nghề thêu ren Mỹ Đức.

Đẩy mạnh công tác dạy nghề để giữ gìn nghề truyền thống

Theo chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng, việc chị theo đuổi nghề thêu là do đam mê và sự yêu thích đặc biệt với nghề. Điều tuyệt vời nhất khi làm nghề này với chị là giúp các thế hệ sau thừa kế, bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Khôi phục và phát triển nghề thêu truyền thống ở Mỹ Đức không chỉ giúp giải quyết tốt công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Những sản phẩm thêu tay OCOP vươn tầm quốc tế

Các sản phẩm tranh thêu tay OCOP của cơ sở tranh thêu Hằng Khoa được đông đảo bạn bè quốc tế yêu thích

Đặc biệt, để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chị và chồng quyết tâm ghi lại những video thực hiện các bức tranh thêu, từ lúc đặt mũi kim đầu tiên cho đến khi tác phẩm hoàn thiện rồi up lên kênh Youtube.

Lo lắng về sự suy giảm rõ rệt trong sức sống của các làng nghề truyền thống, ngoài việc bày bán sản xuất các sản phẩm thêu tay, chị Hằng cũng quyết định mở workshop thực hành nghề ngay tại cửa hàng tranh của gia đình.

Ban đầu chị mở các lớp ngắn hạn dành cho các bà nội trợ, công viên chức, sinh viên yêu thích nghệ thuật thủ công để gìn giữ nghề, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật thêu tay. Tính đến nay, thông qua các lớp online, cơ sở trang thêu tay Hằng Khoa đã đào tạo được gần 500 học viên trong nước và ngoài nước.

Ngoài lớp học online, các lớp học trực tiếp chuyên sâu của chị cũng thu hút nhiều học viên là nhà thiết kế, sinh viên chuyên ngành cần làm đồ án tốt nghiệp, chủ công ty thời trang.

Không đơn thuần là nơi hướng dẫn kỹ thuật thêu tay, các lớp học này còn là cầu nối đưa các nhà thiết kế, chủ thương hiệu và những sinh viên chuyên ngành này đến gần hơn với làng nghề cùng văn hóa địa phương.

Các học viên được học từ kỹ thuật thêu từ cơ bản đến nâng cao, được chia sẻ các bí kíp làm nghề của làng, được đi thực tế để khám phá phong tục, nề nếp sinh hoạt địa phương. Qua đó, họ hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc của từng họa tiết, hoa văn truyền thống, ứng dụng tốt hơn trên sản phẩm cũng như làm cho sản phẩm có hồn hơn nhờ tính thực tế.

Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

 

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan