Nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi với Nhân dân
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của đất nước trong thời kỳ đổi mới, được biết đến không chỉ bởi những đóng góp sâu sắc cho sự nghiệp phát triển quốc gia mà còn bởi lối sống giản dị, liêm chính, gương mẫu. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là biểu tượng sinh động của một người cộng sản chân chính, luôn lấy dân làm gốc, lấy phục vụ Tổ quốc làm lẽ sống.
Tư duy đổi mới - Tầm nhìn vì sự phát triển của đất nước
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sinh ngày 5/5/1937 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia cách mạng từ tháng 2/1955 và từng kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau trước khi đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch nước từ năm 1997 đến 2006. Giai đoạn ông lãnh đạo đất nước là thời kỳ Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.
Điểm nổi bật trong tư duy lãnh đạo của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là sự nhạy bén, quyết đoán và kiên định trong đường lối đổi mới. Ông hiểu rõ rằng, muốn đất nước phát triển, cần phải phát huy nội lực, song song với việc tranh thủ ngoại lực, cần cải cách thể chế, đổi mới tư duy quản lý nhà nước, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập có chọn lọc với thế giới.
Tư duy đó thể hiện rõ qua những chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của đất nước trong thời kỳ đổi mới |
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng là người đặt nhiều tâm huyết vào công cuộc hội nhập quốc tế. Trong nhiệm kỳ của ông, Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, tạo nền tảng quan trọng cho việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Những chuyến công du của ông tới các nước lớn, các quốc gia bạn bè truyền thống, không chỉ củng cố quan hệ đối ngoại, mà còn thể hiện hình ảnh một Việt Nam đổi mới, tự tin và sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, phát triển toàn cầu.
Cảm phục cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cống hiến cho đất nước, trong đó có giai đoạn ông làm Phó Thủ tướng, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, giai đoạn ông Trần Đức Lương làm Phó Thủ tướng, đất nước đang rất khó khăn. Ông đã rất cố gắng, nỗ lực cùng với Chính phủ, tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài để đưa đất nước vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy, dần dần vươn lên về mặt kinh tế, ổn định chính trị, vị thế của đất nước đi lên.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương gặp gỡ công nhân Công ty Than Khe Chàm đang khai thác than trong hầm lò (2002). Ảnh: TTXVN |
"Trong đó có đóng góp của ông Trần Đức Lương với vai trò Phó Thủ tướng, phụ trách mảng công nghiệp rất khó khăn, mà đã vượt lên được", bà Bùi Thị An cho biết.
Trong hai nhiệm kỳ ở cương vị Chủ tịch nước (1997-2006), ông Trần Đức Lương đã có những đóng góp lớn lao trong công tác đối nội và đối ngoại, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam.
Ông đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Trong thời gian này, những cải cách về thể chế, tổ chức bộ máy và thủ tục hành chính từng bước được triển khai, tạo nền tảng cho quá trình hiện đại hóa và hội nhập.
Tấm gương sáng giữa đời thường
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới mạnh mẽ, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hiện đại của đất nước. Cuộc sống giản dị, liêm chính của ông là minh chứng cho một nhân cách lớn - một tấm gương sáng cần được lan tỏa để hun đúc niềm tin và truyền cảm hứng cho mọi thế hệ người Việt Nam.
Bên cạnh vai trò là người lãnh đạo cao cấp, nguyên Chủ tịch nước Chủ tịch Trần Đức Lương còn được biết đến là một người có lối sống giản dị, gần gũi với quần chúng. Dù ở vị trí cao nhất của Nhà nước, ông vẫn giữ nếp sống mộc mạc, chân chất, đúng với cốt cách của một người con xứ Quảng kiên cường, tiết kiệm và thanh liêm.
Những người từng làm việc, tiếp xúc với ông đều nhận thấy ở ông sự mực thước, trung thực và đầy tinh thần trách nhiệm. Ông không chỉ giữ gìn hình ảnh liêm chính cho bản thân mà còn luôn nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ông từng nhiều lần phát biểu rằng: “Lãnh đạo mà không gương mẫu, không giữ mình thì không thể nói người khác nghe, không thể kêu gọi dân tin”.
Ngay cả sau khi nghỉ hưu, ông vẫn giữ cuộc sống đạm bạc, không để mình trở thành “cán bộ cấp cao nghỉ hưu đặc quyền, đặc lợi”. Ông ít khi xuất hiện trước truyền thông nhưng mỗi lần phát biểu đều đầy tâm huyết, mang tính xây dựng và trách nhiệm cao với đất nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ sau, đó là tinh thần đổi mới đi đôi với giữ vững nguyên tắc, là tư duy lãnh đạo gắn với hành động cụ thể vì lợi ích của Nhân dân, là lối sống giản dị nhưng giàu tính nhân văn và đạo đức cách mạng.
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và hội nhập toàn diện, những giá trị mà ông để lại vẫn còn nguyên giá trị. Một đất nước muốn phát triển bền vững không thể thiếu những người lãnh đạo vừa có tài, vừa có đức và nguyên Chủ tịch Trần Đức Lương là một hình mẫu điển hình như thế.
Với những đóng góp to lớn cho đất nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, tận tụy và luôn đặt lợi ích của đất nước và Nhân dân lên trên hết. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo.