A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Trong điều kiện đặc biệt, phải có chính sách đặc biệt, linh hoạt" để đạt mục tiêu tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn, các nước phát triển trên thế giới đều hạ mục tiêu tăng trưởng nhưng Việt Nam đi ngược lại đòi hỏi "trong điều kiện đặc biệt, phải có giải pháp đặc biệt, thích ứng linh hoạt và hiệu quả" để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8 của Quốc hội sáng 23/5. Ảnh: Như Ý

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8 của Quốc hội sáng 23/5. Ảnh: Như Ý

Bức tranh tích cực phát triển kinh tế, ngân sách

Thảo luận tại phiên họp Tổ 8 của Quốc hội sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Theo các đại biểu, những kết quả đã đạt được thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, kinh tế - xã hội năm 2024 là bức tranh tích cực và có chọn lọc. Tăng trưởng GDP đạt 7,09%, vượt mục tiêu (6,5–7%) và đứng đầu ASEAN, đưa Việt Nam vươn lên vị trí 32 về quy mô nền kinh tế toàn cầu với 476,3 tỷ USD.

GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Lạm phát kiểm soát ở mức 3,63%, trong bối cảnh điều chỉnh lương cơ bản và giá các dịch vụ công. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán dù thực hiện miễn, giảm và giãn 197,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí.

Đại biểu đánh giá, tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025 tiếp tục đà tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng kinh tế tích cực khi GDP quý I/2025 tăng 6,93%, cao nhất trong 6 năm gần đây, với 09 tỉnh, thành đạt mức tăng trên 10%. FDI thực hiện đạt 6,74 tỷ USD, trong khi vốn đăng ký tăng 39,7% cho thấy lòng tin quốc tế vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 275,2 tỷ USD, xuất siêu 5 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu.

Yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội được Đại biểu nhận định là đà phục hồi tốt, niềm tin thị trường cao, năng lực sản xuất dần khôi phục. Cùng với đó, Chính phủ đã quyết liệt cải cách thể chế, tinh giản bộ máy giúp nâng cao hiệu lực điều hành; quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế Việt Nam được nâng lên trong thương mại toàn cầu.

Bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế cũng phải đối mặt với thách thức từ tác động của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, nguy cơ ảnh hưởng mạnh đến hàng hóa xuất khẩu. Giải ngân đầu tư công còn thấp, thị trường bất động sản phục hồi chậm; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng...

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục điều hành linh hoạt chinh sách tài khoá và tiền tệ; giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công theo tiến độ, tập trung vào các hạ tầng chiến lược; tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ sức mua và chi phí doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính...

3 đột phá, 4 trụ cột chiến lược cho tăng trưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và khu vực, nhiều quốc gia lớn dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn năm trước và dự báo đầu năm. Trong khi đó, Việt Nam lại đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn dự kiến ban đầu (6,5-7%), nâng lên trên 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần triển khai tích cực 3 đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, theo Thủ tướng, thể chế vừa là nguồn lực, vừa là động lực, Nghị quyết số 66-NQ/TW đã thể hiện quyết tâm tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thể chế xong cơ bản trong năm nay. "Đây là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy, tháo gỡ, tạo động lực cho sự phát triển", Thủ tướng nói.

Cùng với thể chế, cần đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng. Cho biết chi phí logistic của Việt Nam hiện cao hơn các nước trên thế giới, Thủ tướng lưu ý, chí phí lớn sẽ làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi, do đó phải thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông trên cả 5 lĩnh vực: đường sắt, đường hàng không, đường thuỷ nội địa và hàng hải. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, thể thao, văn hoá… để phát triển một cách bao trùm, đồng bộ.

Cùng với đó là đột phá về nguồn nhân lực. Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp, dó đó, cần phải tăng cường đào tạo từ kiến thức đến kỹ năng toàn diện để tăng năng suất lao động, kỹ năng nghề phải cao, trình độ chuyên môn giỏi. 

Vừa qua, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị ban hành 4 nghị quyết: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo Thủ tướng Chính phủ, đây là 4 trụ cột chiến lược, cùng với 3 đột phá nêu trên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững.

Cùng với các trụ cột, đột phá này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc làm mới các động lực tăng trưởng cũ: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Theo đó, có cơ chế huy động đầu tư tư nhân, lấy đầu tư công để dẫn dắt, thu hút đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. 

Đề cập đến động lực xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, Thủ tướng khẳng định, cần bình tĩnh, đa dạng hoá, mở rộng thị trường, sản phẩm để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, tích cực đàm phán với Mỹ để đảm bào hài hoà lợi ích các bên, "phải lắng nghe, kiên trì, thuyết thục, không lo sợ cũng không chủ quan", sẵn sàng giải quyết các vấn đề đối tác quan tâm với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ.

Về tiêu dùng, Thủ ướng lưu ý thực hiện các chính sách tài khóa, giảm thuế, phí, lệ phí; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính... để hỗ trợ giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ cần quan tâm giảm lãi suất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn... cũng phải được thúc đẩy, được "truyền cảm hứng" từ các nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn, các nước phát triển trên thế giới đều hạ mục tiêu tăng trưởng nhưng Việt Nam đi ngược lại đòi hỏi "trong điều kiện đặc biệt, phải có giải pháp đặc biệt, thích ứng linh hoạt và hiệu quả" để đạt được mục tiêu tăng trưởng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết