A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Metro số 1 hoạt động, thúc đẩy phát triển mạng lưới metro TPHCM

Sau 17 năm phê duyệt và 12 năm thi công, Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22.12.

Metro số 1 hoạt động, thúc đẩy phát triển mạng lưới metro TPHCM

Metro số 1 kỳ vọng thay đổi diện mạo giao thông TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Động lực mới từ Metro số 1

Cửa ngõ phía Đông TPHCM, gồm xa lộ Hà Nội và đường Võ Nguyên Giáp, lâu nay luôn quá tải, xe máy phải lưu thông chung với xe tải, container, tiềm ẩn nguy hiểm. Metro số 1, dài gần 20km, kết nối cửa ngõ này với trung tâm thành phố, được kỳ vọng giảm ùn tắc và thay đổi thói quen đi lại, hạn chế xe cá nhân. Với khả năng chở 930 hành khách mỗi chuyến, chạy 200 chuyến/ngày, tuyến metro đầu tiên của TPHCM dự kiến phục vụ gần 40.000 lượt khách mỗi ngày.

Anh Trần Tấn Bình (40 tuổi), nhân viên văn phòng ở TP Thủ Đức, chia sẻ sau khi trải nghiệm Metro số 1: “Nhà tôi cách ga Đại học Quốc gia 1km. Tôi dự định đi bộ ra ga, lên tàu đến Bến Thành, rồi dùng xe buýt hoặc xe đạp để hoàn tất quãng đường còn lại. Đi metro vừa tiết kiệm, vừa khỏe người”.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên về quy hoạch đô thị, nhận định Metro số 1 là “trường học” cho toàn hệ thống đường sắt đô thị, từ quy hoạch, xây dựng đến vận hành. Ông nhấn mạnh, trong 10 năm tới, TPHCM cần rút kinh nghiệm từ tuyến này để phát triển các tuyến tiếp theo, đảm bảo tiện lợi, thu hút hành khách và tối ưu công suất. Ông Sơn đề xuất phát triển mô hình TOD quanh các nhà ga, tích hợp khu dân cư, dịch vụ thương mại, mua sắm và vui chơi để gia tăng mật độ dân cư, tạo môi trường sống năng động, hiện đại.

Theo kỹ sư Trần Văn Tường bổ sung, Metro số 1 nếu khai thác đúng tiềm năng sẽ không chỉ giải quyết kẹt xe mà còn góp phần tái thiết đô thị, mang lại lợi ích kinh tế bền vững. Ông đề xuất nhượng quyền kinh doanh cho tư nhân để tận dụng nguồn thu từ quảng cáo tại nhà ga, trên tàu và các hạng mục như cầu bộ hành. Các nhà ga có thể cho thuê mặt bằng để đặt trụ ATM, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, giúp bù đắp chi phí vận hành và giảm gánh nặng ngân sách. “Khai thác Metro số 1 hiệu quả sẽ là bước đệm quan trọng để TPHCM nhân rộng hệ thống metro, vừa giải quyết giao thông, vừa thúc đẩy phát triển đô thị bền vững” - ông Tường nói.

Tiền đề phát triển metro tại TPHCM

Mạng lưới metro ở TPHCM đang được nghiên cứu mở rộng lên đến 10 tuyến, dài 510km, gấp hơn hai lần quy hoạch cũ, đáp ứng 50-60% nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến với tổng chiều dài 355km, gồm nối dài Metro số 1 và các tuyến từ số 2 đến số 7. Từ năm 2036 đến 2045, hệ thống metro tiếp tục được đầu tư thêm tuyến số 8, 9 và 10, đạt tổng chiều dài 510km. Tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn này ước tính khoảng 67 tỉ USD.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, việc đưa vào khai thác tuyến Metro số 1 là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Metro sẽ đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh của người dân, góp phần xây dựng môi trường giao thông công cộng bền vững và hiện đại. “Dự án còn là biểu tượng của sự hợp tác, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, sau nhiều năm nỗ lực không ngừng để hoàn thành” - ông Cường nói, đồng thời nhấn mạnh, Metro số 1 sẽ là tiền đề phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TPHCM...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết