A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãnh đạo Quảng Nam nói về khả năng tái sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam

Đà Nẵng và Quảng Nam không thuộc diện thiếu tiêu chí về diện tích và dân số, nhưng việc sáp nhập thì không chỉ dựa vào những con số mang tính cơ học này...

Lãnh đạo Quảng Nam nói về khả năng tái sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam

Sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam đã từng được Trung ương đề cập nhiều lần trong vài năm gần đây. Ảnh: Nguyễn Trình

Tại Kết luận số 126-KL/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước.

Thực tế, việc chia tách, sáp nhập tỉnh đã từng xảy ra nhiều lần trên cả nước, mỗi thời điểm đều có những lý do chính đáng, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy vậy, việc sáp nhập, chia tách bao giờ cũng có tác động nhiều đến từng địa phương.

Chuyện cũ sáp nhập

Cả Đà Nẵng và Quảng Nam, sau khi chia tách tỉnh năm 1997, đã có những bước phát triển đột phá, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt Đà Nẵng đã nổi bật trên bản đồ Việt Nam về sự thay đổi hạ tầng, trở thành đô thị kiểu mẫu của cả nước và khu vực.

Quảng Nam cũng thoát khỏi "chiếc áo" nông nghiệp, trỗi dậy thành một địa phương năng động với nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung. Những thành tựu mang lại của cả 2 địa phương đã được nhân dân ghi nhận, Trung ương đánh giá cao.

Tuy vậy, vinh quang ấy dường như đã đạt đỉnh. Gần 1 thập niên trở lại đây, cả Đà Nẵng, Quảng Nam đều rơi vào "khủng hoảng". Kinh tế nhiều năm rơi vào tình trạng "tăng trưởng âm", sai phạm về quản lý nhà nước liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị, chuyển đổi, khai thác đất đai... liên tục xảy ra. Nhiều lớp cán bộ vướng vào lao lý, kỷ luật hoặc phải nghỉ việc sớm. Hệ lụy hết sức nặng nề.

Từ năm 2018, 2019, khi Đà Nẵng bàn chuyện mở rộng sân bay, xây cảng mới Liên Chiểu, cũng là lúc Quảng Nam tính chuyện quy hoạch tổng thể, mở thêm cảng nước sâu, nâng cấp Chu Lai thành sân bay Quốc tế. Lúc ấy, ông Nguyễn Sự (nguyên lãnh đạo Hội An) đã nhận định, làm như vậy là phân tán, làm yếu đi nguồn lực ở mỗi nơi. Ông đề nghị nên có phương án chung cho cả hai địa phương này là sáp nhập lại.

Theo ông Sự, Quảng Nam và Đà Nẵng "là một", đó là sự đồng nhất về văn hóa, lịch sử, cùng điều kiện kinh tế xã hội như nhau. Ở mỗi thời điểm lịch sử, do các điều kiện kinh tế xã hội mà nhận thức khác nhau, nên có những ứng xử không giống nhau. Thời điểm năm 1997, chia tách tỉnh là hợp lý. Và bây giờ, sáp nhập là cần thiết.

Hiện Đà Nẵng còn quá ít dư địa để phát triển bởi mới xấp xỉ 1 triệu dân, muốn trở thành siêu đô thị, đô thị này cần có 4 - 5 triệu dân. Sinh đẻ tự nhiên sẽ rất lâu, còn tăng cơ học gây bế tắc về công ăn việc làm, nhà cửa cư trú và hạ tầng đô thị, dịch vụ xã hội. Đà Nẵng đã kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, quá tải bãi rác. Nếu tăng dân số đột ngột, không chỉ quá tải trường học, bệnh viện, hạ tầng đô thị mà rừng, biển tiếp tục bị xâm hại, ruộng vườn, sông suối sẽ bị san lấp, xây nhà.

Trong khi đó, Quảng Nam muốn vươn lên thành một đô thị mới, ngang tầm láng giềng Đà Nẵng cũng không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn mở rộng sân bay, bến cảng, lấp ruộng làm đường, xây khu đô thị mới. Nhưng nếu sáp nhập 2 địa phương lại như xưa, những bế tắc này sẽ có thể được giải quyết, bổ sung cho nhau.

Không để guồng máy ngừng nghỉ

Khi trao đổi về khả năng tái sáp nhập tỉnh, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khảng khái, đồng tình. Sự dứt khoát đó thể hiện khát vọng vì sự phát triển bứt phá của quê nhà Quảng Nam, vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân, vì sự thịnh vượng đất nước của người đứng đầu tỉnh. Tuy vậy, ông Dũng cũng không giấu được nỗi ưu tư bởi chuyện sáp nhập không đơn giản như lắp ghép cơ học các đơn vị hành chính, mà phía sau đó là tâm tư, nguyện vọng, là địa vị, quyền lực... của hàng ngàn cán bộ mỗi địa phương.

Ông Dũng nói: "Chủ trương của Trung ương rất rõ ràng, yêu cầu cũng cấp bách, tuy vậy việc triển khai phải đồng bộ và khoa học. Với Quảng Nam, chúng tôi không mơ hồ, lay động hay có tư tưởng "ngồi chờ". Từ ngay khi nhận nhiệm vụ, tôi đã xác định Quảng Nam kiên quyết thực hiện cho bằng được mục tiêu cải cách hành chính, “cởi trói” cho doanh nghiệp để có môi trường đầu tư tốt, có doanh nghiệp lớn, tầm cỡ đầu tư vào Quảng Nam".

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2024, Quảng Nam đạt tăng trưởng 7%, đã chấm dứt tình trạng tăng trưởng âm mấy năm nay. Một trong những công việc mà Quảng Nam đặt lên hàng đầu là quyết liệt cải cách hành chính, xốc lại tinh thần làm việc, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh - sau các đợt thanh tra, kiểm tra, điều tra và cả kỷ luật, truy tố.

Trước những chủ trương đổi mới mang tính cách mạng của Trung ương, Quảng Nam cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết