Khai thác hiệu quả 4.226 trụ sở công dôi dư để tăng thu ngân sách, chống lãng phí
Sau sáp nhập tỉnh, số lượng trụ sở công dôi dư là 4.226. Đó là thông tin từ Tờ trình số 2171/TTr-BNV báo cáo Chính phủ về việc sắp xếp cấp tỉnh năm 2025.
Có 4.226 trụ sở công dôi dư sau sáp nhập tỉnh. Trong ảnh, một trụ sở công bỏ hoang tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông
Theo Bộ Nội vụ, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp cấp tỉnh cần thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Với 4.226 trụ sở công dôi dư sau sắp xếp, nếu không có phương án khai thác, sử dụng phù hợp, hiệu quả, sẽ là sự lãng phí rất lớn.
Trước đợt sắp xếp, sáp nhập này, đã có nhiều địa phương dôi dư trụ sở công, bỏ hoang, xuống cấp, hư hỏng, thậm chí thành bãi chứa rác. Dư luận bất bình, người dân bức xúc, báo chí phản ánh, nhưng không có sự thay đổi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trụ sở công bỏ hoang, nhưng nguyên nhân chủ yếu là lãnh đạo địa phương không muốn triển khai các phương án sử dụng, vì sợ trách nhiệm. Làm đúng thì không ai khen, làm sai không chừng bị kỷ luật, cho nên không làm là an toàn nhất.
Vào lúc này, cần loại bỏ ngay suy nghĩ an toàn cho bản thân, mà phải tính đến lợi ích chung. Lợi ích chung là gì, trước hết là tận dụng cơ sở cũ để làm việc, không xây dựng mới, đừng lấy cớ sáp nhập đơn vị hành chính mới để xây cơ quan mới.
Các tỉnh sáp nhập cần có nhiều nhà công vụ để phục vụ cho cán bộ, công chức, hãy sử dụng các trụ sở dôi dư để làm nơi lưu trú, đừng xây dựng thêm các nhà công vụ tốn kém, lãng phí.
Đối với các vị trí đất "vàng", cần tính toán các phương án kinh doanh, cho thuê để tạo nguồn thu cho ngân sách. Hiện nay, nhiều địa phương có rất nhiều trụ sở tọa lạc trên các đường phố lớn, khu trung tâm, nhưng không sử dụng cũng như không khai thác kinh doanh, trong lúc nếu cho thuê một mặt bằng cũng thu cả trăm triệu đồng/tháng. Các địa phương không cho thuê được vì vướng thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, tài sản trên đất.
Cần có cơ chế tháo gỡ để các địa phương triển khai thực hiện các phương án kinh doanh đúng quy định của pháp luật, giải phóng nguồn lực rất lớn của quốc gia.
Còn một việc lớn khác, đó là nhiều địa phương cần quỹ đất làm nhà ở xã hội, cần có cơ chế, chính sách cho phép chuyển đổi trụ sở công sang thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Những trụ sở không kinh doanh, có thể chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm văn hóa, thể thao để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Có những trụ sở công có thể mạnh dạn đập bỏ để làm công viên, đó cũng là tạo ra giá trị cho xã hội.