Hồi chuông cảnh báo từ mất an toàn thực phẩm
Từ vụ việc khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine được tung ra thị trường bị phanh phui đến vụ cơ sở bánh cốm nổi tiếng Nguyên Ninh (Hà Nội) bị tạm dừng hoạt động cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh là hết sức quan trọng. Đây cũng là vấn đề không hề đơn giản, nhất là đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản địa phương.
Thực trạng này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo: dù có là một thương hiệu nổi tiếng như thế nào thì chỉ cần lơi là vấn đề chất lượng, quy trình chuẩn vệ sinh thì hậu quả là sẽ là không nhỏ. Quan trọng hơn là đơn vị sản xuất sẽ bị mất lòng tin của người tiêu dùng, từ đó việc sản xuất kinh doanh có thể phải dừng mãi mãi.
Vi phạm an toàn thực phẩm chưa hết "nóng"
Ông Hà Chí Mãng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh), cho biết để quả mãng cầu tươi đến tay người tiêu dùng, nhà phân phối đảm bảo chất lượng, khi thu hoạch, HTX không thể thu hoạch khi quả đã chín và thời gian từ khi cắt quả khỏi cành đến tay người tiêu dùng, nhà phân phối phải dưới 12 tiếng mới đảm bảo được chất lượng.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn, ông Hoàng Văn Thám thông tin, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài quy trình sản xuất đúng theo yêu cầu được áp dụng, ngay khâu sơ chế cũng được HTX thực hiện một cách nghiêm túc.
Các thùng hàng hóa sẽ được "tập kết" tại cửa kho luồng vào (tức kho có luồng đi vào và luồng đi ra, đây là quy định để luồng công việc luôn đi thành một chiều không chồng chéo nhau). Toàn bộ rau củ quả được kiểm tại bàn inox. Hàng hóa sau khi kiểm xong phải được cho lên kệ cách sàn tối thiểu 20cm.Tuyệt đối không để hàng hóa dưới sàn nhà vì có thể lây lan vi khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rõ ràng, không ít HTX, đơn vị sản xuất hiện nay đã làm rất tốt, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và xa hơn là giúp các HTX xây dựng niềm tin với khách hàng và tạo thương hiệu trên thị trường. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những đơn vị sản xuất chưa thực sự thực hiện nghiêm túc vấn đề này.
Sơ chế rau trên bàn inox cách mặt đất tối thiểu 20cm là một trong những quy tắc trong an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, riêng năm 2023, cả nước vẫn có gần 2.100 người ngộ độc thực phẩm, trong đó có 28 người chết. Còn đến đầu tháng 12/2024, cả nước có 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.791 người bị ngộ độc và làm chết 21 người. Điều này cho thấy vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn chưa hết "nóng", nguy cơ mất an toàn thực phẩm ngày càng tăng.
Và từ những vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra thời gian gần đây cũng nói lên rằng nguy cơ mất an toàn hiện hữu ở mọi khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và bảo quản.
Theo giới chuyên gia, bất kỳ hàng hóa, sản phẩm nào cũng có nguy cơ mất an toàn. Ngay những dòng sản phẩm lên men, nếu quá trình bảo quản không có tốt độ ẩm cao thì sẽ bị nhiễm nấm (nấm mốc). Mặc dù có những lúc, nấm mốc có công dụng nhất định như dùng để sản xuất kháng sinh, sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng sinh khối… Nhưng nếu sử dụng không đúng, quy trình không đảm bảo, nấm mốc sẽ sinh ra các độc tố, gây hại cho sức khỏe con người.
Đó cũng là lý do mà tất cả những sản phẩm đồ khô khi đưa ra thị trường, ngành chức năng yêu cầu đơn vị sản xuất phải kiểm tra về vấn đề này. Và không chỉ những dòng sản phẩm lên men mà ngay cả những loại quả, hạt có nhiều dầu như óc chó, ô liu, lạc…, hay những nông sản như gạo, ngô, gia vị đồ khô, sữa hạt, sữa bột… đểu rất dễ nhiễm nấm.
Vì vậy, HTX nếu là đơn vị thu mua những nguyên liệu này để bán hay phục vụ chế biến thì phải có phương pháp kiểm tra bằng định lượng và định tính để kiểm soát tốt nguồn đầu vào. Vì vẫn có trường hợp các loại hạt đã bị nấm mốc nhưng đơn vị cung cấp mang đi rửa, sấy và tiếp tục xuất bán, gây nguy hiểm cho người dùng. Và điều kiện để nấm mốc phát triển là khi độ ẩm trên 70% và nhiệt độ từ 25-40 độ C. Do đó, các HTX nếu bảo quản nguyên liệu, sản xuất chế biến thực phẩm cần lưu ý để đảm bảo an toàn trong sản xuất.
An toàn cần đến từ hai phía
Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, ngay như cơm ăn hàng ngày được nấu chín có thể diệt khuẩn nhưng không diệt được độc tố. Độc tố cũng có thế nhiễm từ nấm mốc nếu bảo quản gạo không tốt. Đó là chưa kể đến những kim loại nặng nhiễm từ những vùng trồng không an toàn.
Do đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm trước tiên là phải sản xuất chế biến, bảo quản theo đúng quy trình. Bởi mỗi hàng hóa, nông sản phẩm khi sản xuất, chế biến và bảo quản phải có quy trình, công thức riêng.
Ngay như hiện nay có nhiều đơn vị tự nấu rượu thì quá trình nấu thi thoảng có thể mở nắp ra để Methanol bay hơi. Nhưng do đặc điểm của rượu là khi có nhiệt độ thì quá trình bay hơi thấp. Do đó, nếu sản xuất rượu đại trà thì cần phải bắt buộc có quy trình, công nghệ hẳn hoi. Bởi 99,99% vụ ngộ độc là do Methanol từ rượu nhà nấu vì họ không có công nghệ để loại bỏ Methanol trên lượng rượu lớn.
Ông Hoàng Văn Thám cho biết: "Riêng khu vực sơ chế rau, hay chế biến tuyệt đối không có sự xâm nhập của vật nuôi. Dù bạn có yêu chúng cách mấy thì sự xuất hiện của chúng nơi sơ chế hàng hóa là hành động vi phạm vệ sinh gần như cơ bản nhất. Và đặc biệt, những người làm việc tại đây không sơn móng tay móng chân, nước hoa hay các chế phẩm có mùi, không đeo trang sức tay là tối thiểu... Bởi tất cả đều ảnh hưởng đến mùi, hoặc xuất hiện dị vật trong sản phẩm".
Đó là về phía những đơn vị sản xuất, theo giới chuyên gia, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm tăng trong khi những sản phẩm đạt chất lượng khó cạnh tranh trên thị trường vì hiện nay vẫn có không ít người tiêu dùng bị cuốn theo thực phẩm giá rẻ hoặc thực phẩm sản xuất theo trào lưu mà không quan tâm đến nguồn gốc hay tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, là người tiêu dùng thông thái cần “túm lấy đơn vị sản xuất có tóc”, tức là ít nhất phải tìm những đơn vị sản xuất có đăng ký kinh doanh. Dù đó có là một hộ sản xuất chăng nữa nếu có đăng ký kinh doanh cũng có giấy phép an toàn thực phẩm. Mặc dù ở Việt Nam hiện nay đang chưa thực sự chặt chẽ về vấn đề này nhưng đây là con đường tất yếu phải đi để cổ vũ cho những đơn vị sản xuất dám minh bạch quy trình sản xuất, có địa chỉ sản xuất được cơ quan quản lý cấp phép thì ít nhất họ sẽ có trách nhiệm với sản phẩm, với người tiêu dùng.
Theo giới chuyên gia, tất cả mọi thứ trên trên thị trường đều có sự điều chỉnh bởi bàn tay vô hình của người tiêu dùng. Tại các nước tiên tiến trên thế giới, người tiêu dùng nhận thức rất tốt về vấn đề an toàn thực phẩm, nguy hại trong sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên họ loại trừ thậm chí tẩy chay những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Nhưng ở Việt Nam thì chưa đạt được, và điều này là nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất không an toàn, không đảm bảo quy trình vẫn diễn ra tràn lan. Đây cũng là lý do khiến những mặt hàng đảm bảo chất lượng, những đơn vị sản xuất minh bạch khó cạnh tranh trên thị trường.
Huyền Trang