A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị

Nhiều chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT) nhận định rằng, cần hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.

Tiêu chuẩn hóa là điều kiện tiên quyết cho sự đổi mới

Tại phiên chuyên đề quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật (TCKT), công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị diễn ra sáng 19/1, trong khuôn khổ hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, TS Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Kết luận số 49 - KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ mục tiêu “Hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với Vùng Thủ đô) và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035”.

Hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu kết luận hội thảo

Bên cạnh 10 tuyến với 417,8km ĐSĐT được quy hoạch từ trước, sau khi rà soát mạng lưới giao thông, Hà Nội đã đặt vấn đề xây dựng thêm 7 tuyến, tổng chiều dài 178km ĐSĐT nữa. Đó là mục tiêu rất nặng nề, đòi hỏi thành phố phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt.

Thực tế triển khai hai dự án ĐSĐT (số 2A và 3.1) tại Hà Nội, cũng như tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, một trong những khó khăn vướng mắc chủ yếu khiến thời gian thực hiện kéo dài, gây lãng phí nguồn nhân lực là thiếu thống nhất, đồng bộ tiêu chuẩn quy chuẩn, kỹ thuật. Các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho nhiều dự án không đồng bộ và khác nhau dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình và duy tu bảo dưỡng về sau.

Tiến sỹ Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội

TS Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội phát biểu tại hội thảo

TS Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Vận tải và kinh tế đường sắt (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho rằng, tiêu chuẩn hóa là điều kiện tiên quyết quan trọng cho sự đổi mới và an toàn của hệ thống đường sắt. Tiêu chuẩn là thước đo, tiềm năng kỹ thuật làm tăng khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế, tăng chất lượng vận hành, tăng lợi thế về chi phí.

Ông Xin Luo, Giám đốc Phòng An toàn và công nghệ, Metro Thâm Quyến, Trung Quốc nhận định, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội 2A đã đi vào hoạt động, đạt kết quả tốt và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trong tương lai, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được phát triển rất nhanh, tương tự như Thâm Quyến. Vì vậy dựa trên kinh nghiệm của Thâm Quyến và sự hiểu biết về đường sắt đô thị ở Hà Nội, Việt Nam, ông Xin Luo đưa ra những cách thức tiếp cận cho Việt Nam.

Hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị

Ông Xin Luo, Giám đốc Phòng An toàn và công nghệ, Metro Thâm Quyến, Trung Quốc

Một là, Nhà nước, chính quyền ngành và chính quyền thành phố cần ban hành các luật, quy định hoặc quy định quản lý có liên quan nhằm vận hành, bảo dưỡng và quản lý đường sắt đô thị để đảm bảo an toàn và tính ổn định cho vận hành đường sắt đô thị.

Việt Nam cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể, thiết kế và xây dựng đường sắt đô thị phù hợp với yêu cầu quản lý toàn bộ vòng đời để nâng cao năng lực vận hành và năng lực của mạng lưới đường sắt đô thị.

Nhân sự vận hành cần tham gia thiết kế, xây dựng và bàn giao đường sắt đô thị càng sớm càng tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận hành đường sắt đô thị.

“Cần tập trung vào hành khách, liên tục cải tiến phương thức quản lý, nâng cao nhận thức về dịch vụ và quản lý chất lượng để cho thấy phúc lợi công cộng của đường sắt đô thị. Cùng với đó, cần nghiên cứu các chi phí và nguồn vốn hợp lý cho hoạt động vận hành, bảo dưỡng để đạt được sự phát triển bền vững của đường sắt đô thị”, ông Xin Luo nhấn mạnh.

Nguồn tư liệu quý để hoạch định chính sách

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, hội thảo chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị” đã hoàn thành tốt đẹp các nội dung và chương trình đặt ra.

Theo số liệu từ Ban tổ chức, đã có nhiều đoàn đại biểu đăng ký tham gia với số lượng khoảng 200 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức, cơ quan ngoại giao. Đặc biệt, có sự góp mặt của 30 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt đô thị và giao thông công cộng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực phát triển hệ thống đường sắt đô thị công cộng.

Hội thảo đã nhận được tổng số 11 bài báo cáo, tham luận. Qua đánh giá, các tham luận đều có chất lượng tốt, được chuẩn bị công phu, đề cập vào các nội dung cốt lõi, phản ánh thực trạng, xu thế phát triển của hệ thống đường sắt đô thị trên thế giới nói chung và tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị

Quang cảnh hội thảo

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, các bài phát biểu và ý kiến trao đổi tại hội thảo đã thể hiện sự đồng tình và thống nhất cao về vai trò ngày càng lớn của hệ thống đường sắt đô thị, không những làm thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn chia sẻ các vấn đề nan giải trong quá trình đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Cụ thể là những khó khăn trong việc áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực đường sắt đô thị, đây là vấn đề thực tế đã gặp phải tại các dự án đã triển khai tại Việt Nam.

Các đại biểu đã đề xuất các chính sách sách ưu tiên, ưu đãi cho phát triển thị trường, các cơ sở công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ cho đường sắt; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án để tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà thầu nước ngoài.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng chỉ ra thực trạng, bất cập, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện dự án theo các mô hình tổ chức quản lý thực hiện các dự án đầu tư, vận hành, bảo dưỡng các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam và kinh nghiệm từ các mô hình tổ chức, quản lý, thực hiện dự án triển khai tại các nước phát triển.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm phát triển đường sắt đô thị ở các nước phát triển cũng như các nước đã đầu tư đưa vào khai thác sử dụng có điều kiện tương đương Việt Nam, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có giá trị trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống đường sắt đô thị. Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng tầm nhìn dài hạn với sự tham gia và đồng thuận của người dân; hoàn thiện chiến lược phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị xuyên suốt từ bộ máy chính quyền, cơ chế, chính sách đến nhận thức, tổ chức thực hiện; khuyến khích, huy động, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác thiết kế cũng như triển thực hiện dự án.

“Các ý kiến đóng góp sẽ là nguồn tư liệu có giá trị để các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, hoạch định chính sách tham khảo trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị nói riêng và hệ thống giao thông công cộng nói chung, góp phần xây dựng Thủ đô và Thành phố mang tên Bác trở nên văn minh, hiện đại”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.


Tác giả: Ánh Dương. Ảnh: Phạm Mạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan