Hạn chế xe máy: Bắt đầu từ đâu?
Việc định hướng hạn chế sử dụng xe máy tại 5 thành phố cấp 1 trực thuộc trung ương là hoàn toàn đúng đắn, nhưng lộ trình bắt đầu từ đâu?
Trong mấy năm trở lại đây tình hình tai nạn giao thông giảm cả về số vụ lẫn số người tử vong.
Theo nội dung Nghị quyết số 48/NQ-CP: “Năm 2019 số người chết do tai nạn giao thông là 7.624 người, năm 2020 đã giảm còn 6.700 người và năm 2021 số người chết là 5.799 người; ùn tắc giao thông trên các trục đường chính như tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước được kiềm chế…”.
Việc hạn chế hoạt động của xe máy là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo công tác an sinh của người dân. Ảnh: Quốc Tuấn
Thực tế đây không phải là thành tích. Thứ nhất số vụ, ca tử vong vẫn là rất cao trên tỉ lệ dân số. Thứ hai có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, việc tham gia giao thông, đi lại, du lịch, hoạt động sự kiện, hội họp… đều giảm thiểu, nên không phát sinh tắc đường, tai nạn.
Sau khi đạt tỉ lệ tiêm vaccine bao phủ, Chính phủ mở cửa với phương châm “thích ứng linh hoạt, an toàn” thì giao thông nhộn nhịp trở lại. Với số lượng phương tiện cá nhân tăng “nóng” như hiện nay thì thời gian tới, sau quãng thời gian bị nén lại do dịch bệnh, số người tham gia giao thông sẽ tăng lên rất cao, mật độ giao thông đông đặc, và nạn tắc đường, tai nạn có thể tiếp tục tái diễn, con số chắc chắn sẽ tăng lên.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng cũng không thể phó mặc kiểu “trời kêu tên ai, người ấy dạ” được. Cần có biện pháp hợp lý để hạn chế, giảm thiểu tai nạn bởi phần đông người bị tai nạn giao thông ở tuổi còn trẻ, là lao động chính trong gia đình. Có bao nhiêu gia đình tan nát, xuống dốc sau tai nạn giao thông của người thân, nhất là những thảm cảnh bị chấn thương nặng sau tai nạn, sống dở, chết dở, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Vì vậy Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025 là nghị quyết hoàn toàn đúng đắn khi định hướng hạn chế sử dụng xe máy tại 5 thành phố cấp 1 trực thuộc trung ương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đây là 5 thành phố lớn nhất cả nước, dân số cơ học, lượng phương tiện cá nhân luôn có xu hướng tăng đều, mật độ dân số, lượng người tham gia giao thông luôn ở mức cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, tắc đường.
Vấn đề là lộ trình bắt đầu từ đâu? Làm đồng bộ hoàn thiện hạ tầng với hệ thống giao thông công cộng thật gọn sạch rồi tiến hành hạn chế rồi tiến tới dừng hẳn hoạt động, hay là cứ cấm trước rồi giải quyết các vấn đề phát sinh sau?
Cả hai giải pháp trên đều khó thực hiện. Việc giải phóng các khu, cụm dân cư sống trong ngõ, hẻm nhiều thế hệ nếu di dời, giải phóng mặt bằng thì lại bước vào một bộ phim dài tập, bùng nhùng, lằng nhằng.
Muốn xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, môi trường sạch đẹp, an toàn thì việc hạn chế xe máy là điều bắt buộc phải làm. Ảnh: Quốc Tuấn
Đến khu tập thể xây từ những thập niên 80 của thế kỷ trước nay xập xệ, đập bỏ xây mới thôi mà còn đơn thư, kiện cáo kéo dài; thì việc di chuyển dân ra khỏi vùng lõi để lấy mặt bằng quy hoạch mới, tuy không phải là bất khả thi nhưng quả thực không hề dễ dàng. Chưa kể còn vướng mắc các công trình dấu ấn văn hóa, lịch sử cần gìn giữ bảo tồn.
Còn đột ngột cấm ngay thì có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, mưu sinh của rất nhiều người dân. Khi xe máy là cái “cần câu cơm” của họ như xe ôm, giao hàng công nghệ…, hay thói quen đưa đón con cái đi học của nhiều gia đình.
Dân cư trong các thành phố lớn phần nhiều đến từ các vùng quê, nói không tự ái chứ tác phong kiểu sản xuất nông nghiệp, thâm canh canh tác trên ruộng nhà mình, vườn nhà mình “cái đuôi nông dân” vẫn còn dài. Trước khi làm còn “trông trời trông đất trông mây” tự mình làm chủ nên thời gian làm việc linh động. Người làm nghề thì vẫn có hiện tượng “sáng rửa cưa, trưa mài đục”, chưa có tác phong công nghiệp nhanh nhẹn, chính xác, đến giờ là làm, hết giờ mới nghỉ, nên chủ trương này chắc chắn chưa đưa ra đã bị phản đối.
Thực tế cho thấy, muốn xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, môi trường sạch đẹp, an toàn thì việc hạn chế xe máy là điều bắt buộc phải làm. Vậy lộ trình như thế nào cho hợp lý? Câu hỏi này dành cho các nhà khoa học nghiên cứu đề án đề xuất lên phương án cho tối ưu. Người dân chỉ mong sao cho cách xử lý “hợp lý vẹn tình”.
Chỉ xin đóng góp là: Trước hết cần thông tin “đánh động” để cho người dân chuẩn bị từ tâm lý, rồi mới đến phương án chuyển đổi, thay đổi thói quen, phá đi tâm lý “ngại” đi bộ, xe đạp... Tiếp theo, các công trình mới cần quy hoạch có không gian đỗ xe từ tầng hầm đến bãi đỗ, điểm kết nối với hệ thống giao thông công cộng tương lai. Quan trọng hơn là việc thay đổi tư duy, nhận thức, thói quen sử dụng xe máy của người dân. Có như vậy lớp trẻ, thế hệ kế tiếp mới không phải đi xe máy, phải chịu tắc đường, tai nạn giao thông như thế hệ cha ông. Chưa kể hạn chế xe máy, sẽ không còn cảnh đua xe trái phép, không còn những cái chết tức tưởi thương tâm của đội choai choai lúc nào cũng muốn đoạt giải “bát hương vàng".