Gỡ vướng cho dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao
Các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai dự án theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) đang trông đợi sẽ được khắc phục nhờ các cơ chế mới theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Hệ thống pháp lý hiện hành không quy định về danh mục quỹ đất, tài sản công được sử dụng để thanh toán cho dự án BT.
Vướng mắc, bất cập
Theo quy định hiện hành, Luật Đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP) không quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán và tổng mức đầu tư dự án BT khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, khi phê duyệt hồ sơ mời thầu.
Hệ thống pháp lý hiện hành cũng không quy định về danh mục quỹ đất, tài sản công được sử dụng để thanh toán cho dự án BT.
Chính “khoảng trống” pháp lý trên đã gây vướng mắc cho cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị dự án, bởi khó khăn trong xác định, lựa chọn quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán. Đồng thời, còn gây rủi ro đề xuất chồng chéo, phát sinh rủi ro tranh chấp giữa các dự án khi quỹ đất, tài sản công thanh toán bị trùng lặp...
Vướng mắc trên khiến không ít dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai và phải xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để tháo gỡ.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 152/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với 2 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư PPP (Hợp đồng BT) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư 2 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư PPP (Hợp đồng BT) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài đoạn từ Km0+00 - Km3+350; Dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài đoạn từ Km 3+500 - Km 9+500) theo Hợp đồng BT đã ký như đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Dự án đường Bắc Sơn kéo dài đã cơ bản hoàn thành tuyến chính. Ảnh: Đình Sơn
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm toàn diện việc triển khai các dự án, hoàn thành thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đầu tư PPP, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan…
Đề xuất hướng tháo gỡ
Để có cơ sở đưa ra các cơ chế tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án BT, thời gian qua, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến hợp đồng BT thông qua thực tiễn giải đáp khó khăn, vướng mắc; báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP hằng năm; lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp...
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung mới tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết về dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Dự thảo này đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Để khắc phục “khoảng trống” pháp lý, Bộ Tài chính đề xuất quy định danh mục quỹ đất, tài sản công được sử dụng để thanh toán cho dự án BT. Điều này góp phần đồng bộ hóa quy định về quy hoạch – đầu tư – sử dụng đất đai – đấu thầu, phù hợp với định hướng cải cách thể chế. Đồng thời, dễ dàng xác định, lựa chọn quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán.
Để khắc phục tình trạng Luật PPP không quy định cụ thể về mối quan hệ giữa giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán và tổng mức đầu tư dự án BT khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, dự thảo Nghị định quy định nội dung này theo hướng: Khi chuẩn bị dự án, giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán phải tương đương với tổng mức đầu tư dự án BT hoặc có thể chênh lệch so với tổng mức đầu tư dự án BT theo 2 phương án:
Phương án 1: Quy định tỷ lệ chênh lệch là 10% (giá trị quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán cao hơn hoặc thấp hơn 10% so với tổng mức đầu tư dự án BT);
Phương án 2: Không quy định tỷ lệ chênh lệch tối đa, cơ quan có thẩm quyền tự xác định quỹ đất, tài sản công thanh toán.
Thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư dự án BT phải được phê duyệt trước hoặc đồng thời với hồ sơ mời thầu; bên mời thầu phải cập nhật giá trị quỹ đất thanh toán dự kiến khi phê duyệt hồ sơ mời thầu nếu trường hợp phê duyệt khác năm phê duyệt dự án.
Quy định trên nhằm bảo đảm có cơ sở rõ ràng khi lựa chọn quỹ đất, tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT khi chuẩn bị dự án và để tăng tính cạnh tranh, minh bạch, cũng như hiệu quả trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...