Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 15 chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Trong đó, tập trung mở rộng cho vay vốn tín dụng lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động, nhất là doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 15 cho thấy, đến cuối tháng 5/2025, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ước đạt ước đạt 137.800 tỷ đồng, tăng 1,74% so cuối năm 2024 và chiếm 29,9% tổng dư nợ tín dụng Khu vực 15.
Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 72.293 tỷ đồng, tăng 2,65% so với cuối năm 2024; dư nợ tín dụng xuất khẩu đạt 8.271 tỷ đồng, tăng 2,85%; dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 22.181 tỷ đồng, tăng 13,70%.
Nhờ đáp ứng kịp thời nguồn vốn tín dụng, cùng với nguồn vốn tự có, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương có thế mạnh từ đó góp phần tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tổng trị giá đạt 25.519,11 tỷ đồng, tăng 11,95% so cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, then chốt với mức tăng trưởng 12,14%, chiếm 95,93% tổng trị giá sản xuất công nghiệp.
Ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất, phân phối điện, khí đốt cũng tăng trưởng lần lượt là 10,75% và 7%. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,96%.
Hầu hết sản phẩm công nghiệp đều có sản lượng tăng, trong đó giày da tăng 27,93%, khai thác đá tăng 10,53%, điện thương phẩm tăng 10,30%. Tuy nhiên, một số sản phẩm gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ như tôm đông lạnh giảm 15,46%, bao bì giảm 14,6%, clinker giảm 4,42%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 81.614 tỷ đồng, tăng 31,12% so cùng kỳ năm 2023. Bán lẻ hàng hóa tăng 14,14%, lưu trú và ăn uống tăng 70,81%, du lịch tăng 3,44%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 470,8 triệu USD, tương đương 51,17% kế hoạch năm và tăng 14,54% so cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo tăng 30,25% và giày da tăng 45,81%.
Thống kê cho thấy, hiện ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn cho vay ngắn hạn với lãi suất phổ biến từ 5,3 - 8,4%/năm. Còn lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến từ 6,0 - 10,5%/năm.
Lãi suất cho vay sản xuất trung, dài hạn của ngân hàng thương mại nhà nước là 7,0 - 9,5%/năm; ngân hàng thương mại cổ phần 7,1 - 12,5%/năm (các khoản cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên đáp ứng đủ điều kiện được áp dụng mức lãi suất 4%/năm).
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ThS. Trần Văn Phước cho biết, thời gian tới ngành Ngân hàng Khu vực 15 tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng: Cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế của khu vực và các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản...).
Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.