A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đối tượng “chi 20 tỷ điều chuyển Giám đốc công an tỉnh An Giang” có thể đối diện mức án nào?

Theo Luật sư, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi có nhiều đối tượng tham gia, hành vi có thể bị xử lý với nhiều tội danh và động cơ phạm tội khiến nhiều người rất bất ngờ.

Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang tiến hành bắt giữ Trần Trí Mãnh (SN 1980, nơi cư trú số 95, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Thịnh), về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gồm phụ tùng xe gắn máy và nhớt xe nhiều chủng loại với số lượng lớn.

Trong quá trình điều tra, bị can Trần Trí Mãnh đã khai báo ra nhóm đối tượng Đào Ngọc Cảnh; Ngô Văn Trọng (SN 1973, cư trú Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng); Vũ Văn Quý (SN 1991, cư trú quận 3, TP HCM) và Hoàng Thị Tâm (SN 1967, cư trú huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến Mãnh.

Bị can Đào Ngọc Cảnh. Ảnh: CACC.

Bị can Đào Ngọc Cảnh. Ảnh: CACC.

Liên quan đến vụ lừa đảo "chạy điều động" nhằm điều chuyển đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác, chiều tối 19/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Đào Ngọc Cảnh (SN 1947, cư trú tổ 1, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về tội "Môi giới hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 365 Bộ luật hình sự.

Phân tích vụ việc này dưới góc độ pháp luật, Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng bởi có nhiều đối tượng tham gia, hành vi có thể bị xử lý với nhiều tội danh và động cơ phạm tội khiến nhiều người rất bất ngờ.

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm một số đối tượng về tội môi giới hối lộ. Quá trình điều tra vẫn đang được tiếp tục và có lẽ vụ án sẽ không dừng lại ở đây bởi đã có người môi giới hối lộ, sẽ có người đưa hối lộ, thậm chí có thể xuất hiện người nhận hối lộ...

Có lẽ vụ án này xuất phát từ những tuyên bố đanh thép, thẳng thắn của ông Đinh Văn Nơi đối với việc không khoan nhượng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn.

Những phát ngôn và hành động quyết liệt của vị cán bộ công an này trong thời gian qua đã khiến cho nhiều đối tượng phạm tội phải run sợ, lo lắng và rất muốn điều chuyển vị cán bộ này khỏi địa phương để dễ bề thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...

Trước khi vị cán bộ này về nhận nhiệm vụ ở địa phương, đối tượng Trần Trí Mãnh đã thực hiện hành vi phạm tội sản xuất hàng giả nên rất sợ bị phát hiện. Đối tượng này sau đó đã nảy sinh ý định tìm người đưa hối lộ cho người có chức vụ quyền hạn để điều chuyển ông Đinh Văn Nơi đi địa phương khác với giá 20 tỷ đồng.

Theo luật sư Cường, khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiến hành bắt giữ Trần Trí Mãnh (SN 1980, nơi cư trú số 95, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Thịnh) về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gồm phụ tùng xe gắn máy và nhớt xe nhiều chủng loại với số lượng lớn thì đối tượng này đã khai ra nhóm các đối tượng Đào Ngọc Cảnh; Ngô Văn Trọng (SN 1973, cư trú Quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng); Vũ Văn Quý (SN 1991, cư trú quận 3, TP HCM) và Hoàng Thị Tâm (SN 1967, cư trú huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến Mãnh.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Hành vi của nhóm đối tượng nêu trên là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy các đối tượng này đã không thực hiện hành vi như đã hứa hẹn mà sử dụng số tiền này chi tiêu vào việc cá nhân dẫn đến mất khả năng trả lại số tiền.

Thông tin đưa ra về các mối quan hệ có khả năng điều chuyển vị lãnh đạo này cũng là thông tin giả mạo bởi vậy cơ quan điều tra đã xử lý, khởi tố nhóm đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy thông tin của nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi nhận tiền để đưa cho người có chức vụ quyền hạn nhằm điều chuyển vị cán bộ này thì sẽ không xử lý về tội lừa đảo mà xử lý về tội nhận môi giới hối lộ theo Điều 365 Bộ luật hình sự, với mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 10 năm tù.

Đối với đối tượng Đào Ngọc Cảnh (mới bị khởi tố về tội môi giới hối lộ) cơ quan điều tra sẽ phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đối tượng này là đối tượng trung gian, đã nhận tiền của đối tượng đưa hối lộ để chuyển cho người nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra sẽ thu thập chứng cứ để chứng minh đối tượng này cùng ý chí đối với đối tượng đưa hối lộ là đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn để thực hiện công việc theo yêu cầu của đối tượng đưa hối lộ.

Đối tượng bỏ tiền ra sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ, còn đối tượng trung gian sẽ bị xử lý về tội môi giới hối lộ. Bởi vậy, khi khởi tố đối tượng này về tội môi giới hối lộ thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của đối tượng đưa hối lộ để xử lý đối tượng đã đưa chi tiền về tội đưa hối lộ theo khoản 4 Điều 364 bộ luật hình sự. 

"Với nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khung hình phạt mà các đối tượng có thể phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo khoản 4, Điều 174 bộ luật hình sự.

Còn đối với đối tượng bị xử lý về hành vi môi giới hối lộ thì hình phạt có thể tới 15 năm tù", luật sư Cường nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan