A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Credit Suisse có châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo?

Theo chuyên gia, nếu Credit Suisse đổ vỡ cũng là do những sai lầm của riêng ngân hàng chứ không phải là một lỗ hổng hệ thống và có thể kéo theo nhiều tổ chức tài chính khác lâm nguy trong ngắn hạn.

Cuộc “đại tu” khẩn cấp

Tập đoàn Credit Suisse cho biết, họ sẽ dựa vào ngân hàng trung ương Thụy Sĩ để vượt qua cuộc khủng hoảng niềm tin thị trường, đã làm xói mòn giá trị của hệ thống ngân hàng xuống mức thấp nhất trong lịch sử và gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường tài chính toàn cầu.

Theo một thông báo vào ngày 16/3, ngân hàng có trụ sở tại Zurich sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ (54 tỷ USD) từ hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và sử dụng số tiền này để mua lại chứng khoán nợ trị giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ từ các chủ sở hữu hiện tại.

Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm tới 30% vào ngày 15/3 tại Zurich, khiến giá trị thị trường giảm xuống còn 6,78 tỷ franc Thụy Sĩ, mức lỗ 77% kể từ tháng 3/2021. Trái phiếu của Credit Suisse cũng giảm xuống mức khó khăn trong bối cảnh thị trường lo ngại về khả năng thanh toán vẫn tồn tại, sau sự sụp đổ của ba ngân hàng tại Hoa Kỳ những ngày vừa qua.

Giám đốc điều hành Credit Suisse, Ulrich Koerner cho biết trong một tuyên bố: “Những biện pháp này thể hiện hành động quyết đoán nhằm củng cố Credit Suisse, khi chúng tôi tiếp tục chuyển đổi chiến lược để mang lại giá trị cho khách hàng và các bên liên quan khác”.

Cụ thể, Credit Suisse đang thực hiện một chương trình chuyển đổi để bán bớt tài sản và hợp lý hóa các hoạt động đang mở rộng của mình, nhằm mục đích cung cấp một ngân hàng đơn giản hơn, tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng.

Ngân hàng cho biết thêm, họ đang trong quá trình cắt giảm chi phí 2,5 tỷ franc Thụy Sĩ đến năm 2025, đồng thời cắt giảm số lượng nhân viên xuống còn khoảng 43.000 người, từ mức 52.000 vào tháng 10/2022. Những nỗ lực đó có thể sẽ mang lại lợi nhuận cho ngân hàng từ năm 2024.

Credit Suisse được đánh giá là ngân hàng quan trọng mang tính toàn cầu và sự khủng hoảng của nó đã làm rung chuyển thế giới tài chính. Trước đó, SVB, Signature Bank và Silvergate Bank đã khiến chính quyền Hoa Kỳ phải vào cuộc triển khai các chương trình cho vay khẩn cấp. Tình trạng hỗn loạn này có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu .

Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics nhận định, thực tế Credit Suisse là mối quan tâm lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế toàn cầu so với các ngân hàng khu vực của Hoa Kỳ. “Đây cũng là mắt xích yếu nhất trong số các ngân hàng lớn của châu Âu, các vấn đề tại Credit Suisse một lần nữa đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng toàn cầu, hay chỉ là một vụ sụp đổ mang đặc thù riêng?”

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Credit Suisse đã công bố kế hoạch huy động 4 tỷ đô la Mỹ thông qua phát hành quyền bán cổ phần cho các nhà đầu tư như Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út. Chương trình này tách biệt hoạt động kinh doanh tư vấn và thị trường vốn; đồng thời bán phần lớn cổ phần của hoạt động kinh doanh tài chính được đảm bảo bằng tài sản của mình cho Apollo Global Management và Pimco. Tuy nhiên hoạt động huy động vốn của Credit Suisse không như mong đợi.

Dù vậy, cuộc “đại tu” nguồn vốn như một nỗ lực khẩn cấp để khôi phục uy tín sau hàng loạt các khoản lỗ lớn và sự bất ổn trong cơ cấu quản lý, đã phá vỡ vị thế là một trong những nhà cho vay uy tín nhất châu Âu.

Có thể thấy, những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng liên tiếp diễn ra khiến các nhà giao dịch hạn chế đặt cược vào việc Fed sẽ tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 21-22/3 tới. Trong khi đó, “ông lớn” ngân hàng Goldman Sachs đã kêu gọi tạm dừng đà tăng lãi suất.

Giáo sư tài chính Wharton Jeremy Siegel nhận xét với CNBC rằng, trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, Fed vẫn có thể tăng lãi suất thêm 0,25% và báo hiệu sẽ "tạm dừng” chính sách thắt chặt tiền tệ trong tương lai.

Chứng khoán lao đao

Marty Dropkin, người đứng đầu bộ phận chứng khoán ở Châu Á Thái Bình Dương tại Fidelity International nhìn nhận, các thị trường có thể trở nên lộn xộn, trong bối cảnh hậu quả từ sự sụp đổ của SVB. Đồng thời, lạm phát dai dẳng và thị trường lao động nóng lên, buộc những người tham gia thị trường phải thay đổi cách nhìn của họ về đường đi của lãi suất.

Trong ngày 16/3, chứng khoán Hồng Kông đã sụt giảm, chỉ số Hang Seng giảm 1,7% xuống 19.203,91 - mức thấp nhất kể từ ngày 21/12. Chỉ số Công nghệ giảm 1,4%. Hầu hết các thị trường của châu Á -Thái Bình Dương suy yếu. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,8%, ASX S&P 200 của Úc giảm 1,5% và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,1%...

Tương tự cùng ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, dòng tiền tham gia sụt giảm đáng kể khi phần lớn khoảng thời gian trong phiên ghi nhận khối ngoại bán ròng và chỉ tăng nhẹ về cuối phiên. Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 14,79 điểm xuống 1.047,4 điểm; toàn sàn có 55 mã tăng, 358 mã giảm và 41 mã đứng giá.

Đáng chú ý, riêng cổ phiếu Credit Suisse đã có cú lội ngược dòng khi tăng về mức 2,22 franc Thụy Sĩ (2,38 USD)/cổ phiếu vào ngày 16/3, tăng 32,59% so với giá trị ở thời điểm chốt giao dịch ngày 15/3. 

Nhà phân tích chiến lược tài sản Andreas Venditti từ Bank Vontobel cho rằng việc giới chức Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ đã mang lại tín hiệu quan trọng đồng thời hy vọng các biện pháp trên sẽ giúp ổn định các thị trường, phá vỡ vòng xoáy các diễn biến tiêu cực. Tuy nhiên, việc khôi phục lòng tin của thị trường dành cho Credit Suisse cần thêm thời gian và giới chuyên gia cũng sẽ cập nhật các mô hình tài chính/đánh giá, để phản ánh những tác động của các sự kiện gần đây cũng như cập nhật rủi ro ở mức cao hơn trong lĩnh vực tài chính.

Ông Vicente Nguyen, CIO tại AFC Viet Nam Fund phân tích, giả sử Credit Suisse sụp đổ thì nó cũng không lây lan như cú sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008. Sự cố của Credit Suisse chủ yếu đến từ những sai lầm của chính bản thân ngân hàng. Các khoản lỗ tỷ đô trong các thương vụ như Greensill Capital hay Archegos Capital Management (một vụ cháy tài khoản kinh điển) đã làm lợi nhuận tích tụ hàng thập kỷ bị cuốn bay và làm suy yếu danh tiếng của ngân hàng này.

“Các thương vụ đầu tư sai lầm liên tục đã khiến khách hàng rút tiền trong những năm trở lại đây và biến ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ rơi vào cảnh điêu tàn. Tuy nhiên, tài sản của Credit Suisse có tính thanh khoản rất cao và nó có giá trị chứ không phải như những MBS, ABS, CDO của những năm 2008 (giá trị về 0).

Credit Suisse nếu có sụp đổ là bởi khách hàng rút tiền liên tục, chi phí vốn ngày càng cao, dẫn tới mất thanh khoản chứ tài sản của ngân hàng là vẫn giá trị. Nếu sụp đổ, thì cơ quan chức năng sẽ phong toả tài sản, sau đó thanh lý và trả lại các chủ nợ", vị chuyên gia nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan