A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch TPBank đề xuất không tính room tín dụng với các dự án BOT

Nói về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú cho rằng, con số 18 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế trong năm 2025 là nhiệm vụ khó khăn với các NHTM, nhưng hoàn toàn có cơ sở đạt được.

Chủ tịch TPBank đề xuất không tính room tín dụng với các dự án BOT- Ảnh 1.

Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú

Sáng ngày 11/2/2025, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Là một trong những đại diện ngân hàng được phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú cho biết, với chủ đề của Hội nghị là tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, thì trách nhiệm của NHTM chủ yếu là vấn đề tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng.

Vậy cơ sở nào để chúng ta có thể hoàn thành mục đích mục tiêu trong năm 2025?

Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Quy mô tín dụng toàn ngành kinh tế là 15,5 triệu tỷ trong năm 2024, tăng 2,1 triệu tỷ so với năm 2023. Theo tính toán của chủ tịch TPBank, mục tiêu tăng trưởng 16% trong năm nay tương đương với việc có thêm 2,5 triệu tỷ đồng dư nợ đưa ra nền kinh tế, như vậy tổng dư nợ trong toàn ngành khoảng 18 triệu tỷ đồng.

"Chúng ta hiểu rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, đặt trên vai của các NHTM. Tuy nhiên nhìn vào thực tế chúng ta thấy có những cơ sở để đánh giá rằng có thể hoàn thành được. Và chỉ có thể hoàn thành được mục tiêu này thì mới góp phần vào mục tiêu mà Thủ Tướng, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn là đất nước ta sẽ tăng trưởng GDP với ít nhất 8 %" – ông Phú nói.

Hai yếu tố nền tảng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%

Theo đánh giá của lãnh đạo TPBank, với con số khoảng 18 triệu tỷ cung cấp vốn cho nền kinh tế thì xuất phát từ 2 yếu tố.

Thứ nhất, năm 2024, GDP đã tăng trưởng khoảng 7,09% với 3 trụ cột giúp cho nền kinh tế hồi phục phát triển: xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng. Trong đó xuất khẩu đạt khoảng 405 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước khoảng 786 tỷ USD. Đây là một nền tảng vô cùng quan trọng. Điều đó cho thấy, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, sự quyết liệt của các Bộ ngành, đặc biệt là nền kinh tế vì nhân dân và chỉ có như vậy thì các doanh nghiệp mới có khả năng có nhu cầu vốn. Bởi vì nếu như nền kinh tế không phát triển được thì dù có bất cứ những nỗ lực nào kể cả lãi suất cho vay rất thấp, các doanh nghiệp, người dân cũng không chắc chắn sử dụng nguồn vốn ngân hàng. Đây là nền tảng quan trọng để tin tưởng nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng trong năm 2025 sẽ tiếp tục gia tăng.

Hai là sự quyết tâm của ngành ngân hàng. Trong đó đầu tiên phải kể tới sự thay đổi về cơ chế cấp tín dụng. Hai năm vừa rồi, NHNN đã áp dụng cơ chế cấp hạng mức tín dụng cho các ngân hàng, trên cơ sở đánh giá xếp hạng, theo chương trình quốc tế CAMELS, các ngân hàng tự tính toán được dư địa, room tín dụng của mình có thể có được bao nhiêu. Theo chủ tịch TPBank đây là điều vô cùng quan trọng bởi các ngân hàng sẽ có ngay được kế hoạch từ đầu năm. Như năm 2024, NHNN đã cho phép TPBank (một ngân hàng được xếp loại A) được điều chỉnh 2 lần, tổng dư nợ tăng trưởng đạt được là 20,25%.

Yếu tố thứ hai thể hiện sự quyết tâm của ngành ngân hàng, trong đó có TPBank để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung đó là 3 giảm.

Giảm đầu tiên là giảm lãi suất cho vay. Trong năm 2024, TPBank đã giảm khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Giảm thứ hai là giảm thủ tục, đơn giản hóa các thủ tục, các điều kiện cho vay không cần thiết, nhưng vẫn phải gọi là kiểm soát rủi ro.

Giảm thứ ba là giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá được luôn mức độ tín nhiệm doanh nghiệp vay, xác định giá trị tài sản đảm bảo nhanh chóng.

Với 3 giảm trên, TPBank đã tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao mà vẫn kiểm soát được nợ xấu ở mức thấp chỉ 1,4%. Nền tảng này cũng sẽ được TPBank triển khai tiếp trong năm 2025.

Ngoài ra, các ngân hàng luôn đồng hành và sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp. Chủ tịch TPBank tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN, đồng thời nền kinh tế đã có bước vào một giai đoạn hồi phục thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là hoàn toàn khả thi.

Chủ tịch TPBank đề xuất không tính room tín dụng với các dự án BOT- Ảnh 2.

Theo lãnh đạo TPBank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của ngành ngân hàng hoàn toàn có cơ sở đạt được

TPBank sẽ tăng cường tín dụng cho nhà ở xã hội, tín dụng xanh và dự án BOT

Ông Đỗ Minh Phú cho biết, năm 2025, Ngân hàng Tiên Phong đã đặt ra một số những mục tiêu nhất định để thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ nhất, về cho vay nhà ở xã hội. TPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên khi tham gia vào cho vay NOXH. TPBank đã cam kết rằng sẽ tham gia 5 nghìn tỷ và đến thời điểm này đã giải ngân gần 80 tỷ đồng.

Thứ hai là tham gia vào tín dụng xanh. TPBank hiểu rằng các tổ chức quốc tế và đặc biệt sự phát triển bền vững với mục tiêu Chính phủ đề ra, thì nhà băng này cần tham gia vào các dự án tín dụng xanh. Đến cuối năm 2024, TPBank đã giải ngân và cấp tín dụng các dự án với khoảng 7.378 tỷ đồng.

Ba là cấp tín dụng cho các dự án BOT để xây dựng hạ tầng. Theo chủ tịch TPBank, đây là vấn đề không hề dễ dàng. Bởi vì việc cho vay trong thời hạn khá dài, việc thu hồi nợ chủ yếu dựa trên dòng tiền. Tuy nhiên TPBank đã tham gia dự án BOT ngay từ những dự án đầu tiên như Cao Lâm – Vĩnh Hảo, sau này là Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo TPBank cũng báo cáo thêm và giải trình về câu hỏi của Thủ tướng, khi Thủ tướng hỏi TPBank khó khăn gì không? Đầu tiên, đối với dự án của Hữu Nghị - Chi Lăng, ngay từ đầu đã phê duyệt với phương án vốn nhà nước là 49,3%, còn lại là vốn nhà đầu tư và vốn huy động. Sau khi tính toán, TPBank đã phê duyệt.

Đối với nhà đầu tư là Đèo Cả - một tập đoàn rất quyết tâm và có nhiều năng lực triển khai, TPBank thấy rằng đây là một dự án cần tiếp sức. Sau đó Đèo Cả làm việc và đề xuất với Thủ tướng và tỉnh Lạng Sơn, nâng vốn công lên 70%, vì vậy họ cũng chưa sẵn sàng nhận vốn. Nhưng nếu muốn đảm bảo năm 2025 có 3 nghìn km đường cao tốc, thì theo Chủ tịch TPBank, việc này cần phải tháo gỡ. Sau đó TPBank đã chủ động làm việc với Đèo Cả, cấp vốn lên đến 2.500 tỷ và nhận giải ngân ngay trong tuần này. Vì vậy không cần chờ đợi điều chỉnh tỷ lệ 70:30 vẫn có thể thực hiện xử lý được. Đến thời điểm này TPBank đã cho vay cho các dự án BOT là 7.897 tỷ đồng, không phải chỉ Hữu Nghị Chi Lăng, mà còn các dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự án đường ven biển Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và các dự án của tỉnh Long An – đường 830.

"Như vậy có thể nói rằngchúng tôi được tham gia vào dự án BOT là một lĩnh vực khá khó nhưng với tinh thần quyết tâm góp phần cùng đất nước giải quyết được 3 đột phá, trong đó có đột phá quan trọng là hạ tầng thì TPBank đã rất cố gắng tham gia" – ông Đỗ Minh Phú báo cáo với Thủ tướng và hội nghị.

Kiến nghị không tính room tín dụng với các khoản giải ngân vào dự án BOT

Tại Hội nghị, chủ tịch TPBank cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, trong đó tập trung vào dự án BOT.

Thứ nhất, theo ông Đỗ Minh Phú, tại thời điểm này có một số dự án khó khăn, là dự án Đồng Đăng -Trà Lĩnh thì Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh vốn công lên 70% nhưng với Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng thì tại thời điểm này chưa giải quyết được mặc dù Ngân hàng rất chủ động giải ngân luôn. Ông đề xuất, nếu đồng ý nâng vốn công của dự án Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% thì chắc chắn là nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và ngân hàng cũng thấy rằng việc đồng hành đảm bảo hơn trong việc thu hồi vốn.

Thứ hai, khi cấp tín dụng, Ngân hàng đã phải sử dụng vốn tín dụng khá lớn cho các dự án BOT. Vì vậy chủ tịch TPBank đề xuất NHNN xem xét đối với ngân hàng có tham gia cấp tín dụng cho các dự án BOT thì có thể cho phép được sử dụng vốn, không tính vào room tín dụng để các ngân hàng yên tâm đưa dòng vốn vào các dự án trọng điểm cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần thúc đẩy các trụ cột đột phá tăng trưởng cho nền kinh tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết