Cần sự chung tay để gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có gần 9.000 lễ hội, trong đó hơn 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng... và khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào.
Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều lễ hội được tổ chức trang nghiêm, giữ được những giá trị linh thiêng vốn có, đồng thời loại bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan và thương mại hóa thái quá.
Mỗi lễ hội là một tấm gương phản chiếu đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Và không thể phủ nhận, các lễ hội đang dần trở về đúng giá trị truyền thống, trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về cội nguồn dân tộc.
Tuy vậy, một số lễ hội ở các địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Đó là tình trạng thương mại hóa lễ hội đang làm lu mờ giá trị tâm linh, khi nhiều nơi tận dụng để kinh doanh tràn lan, lấn át không gian linh thiêng. Giá cả dịch vụ leo thang, từ phí gửi xe, ăn uống đến giá vé tham quan, gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia lễ hội còn hạn chế. Cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc, đặt tiền công đức tùy tiện diễn ra. Hình ảnh rác thải tràn ngập sau lễ hội không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến môi trường, làm giảm đi sự tôn nghiêm của những địa điểm linh thiêng…
Để lễ hội trở về đúng giá trị văn hóa, cần có sự chung tay từ nhiều phía, từ chính quyền đến người dân.
Trước hết, các địa phương cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như tăng giá dịch vụ bất hợp lý, bán hàng rong chèo kéo khách, tổ chức hội chợ, bói toán trong khu vực lễ hội.
Mỗi người dân khi tham gia lễ hội cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, tránh hành vi chen lấn, xô đẩy. Cần có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức về việc đốt vàng mã và giữ gìn không gian linh thiêng.
Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý lễ hội cũng cần được các địa phương tính đến và đẩy mạnh. Ví dụ, việc áp dụng vé điện tử, lắp đặt camera giám sát, triển khai các ứng dụng di động để hỗ trợ du khách sẽ giúp công tác tổ chức hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát.
Cuối cùng, giữ gìn và phát huy nét đẹp lễ hội không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là ý thức của mỗi người dân. Mỗi hành động văn minh, mỗi quyết định quản lý đúng đắn sẽ góp phần đưa lễ hội trở về đúng giá trị thiêng liêng, trở thành niềm tự hào văn hóa của dân tộc Việt Nam.