A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các ngân hàng ASEAN đối mặt với tình trạng thu nhập ngoài lãi giảm mạnh, chất lượng tài sản suy yếu

Hầu hết các ngân hàng tại ASEAN đều ghi nhận thu nhập ngoài lãi giảm sút trong bối cảnh lãi suất tăng trong quý cuối năm 2022, bên cạnh đó, chất lượng tài sản cũng có dấu hiệu suy yếu, chịu tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt

Thu nhập ngoài lãi giảm mạnh

Bức tranh báo cáo tài chính quý cuối năm 2022 cho thấy, các ngân hàng ở khu vực ASEAN đang đối mặt với tình trạng thu nhập từ phí bị thu hẹp, ảnh hưởng đến thu nhập ngoài lãi, trong bối cảnh thị trường bấp bênh.

Các ngân hàng ở Singapore và Thái Lan chứng kiến ​​sự sụt giảm trong các mảng quản lý tài sản, dù môi trường lãi suất tăng cao giúp các ngân hàng tạo ra nhiều lợi nhuận hơn từ hoạt động cho vay.

Theo Fred Winchar, đồng sáng lập công ty môi giới tài chính MaxCash, tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh và đầu tư sụt giảm, dẫn đến khối lượng giao dịch thấp hơn. Các thị trường tài chính vốn dễ bị tổn thương và không thể tránh khỏi việc doanh thu được tạo ra từ phí giao dịch và quản lý tài sản giảm sút.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, cùng với chi phí vốn cao hơn sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để giảm bớt áp lực lạm phát trong những tháng qua, đặt ra nhiều rủi ro trên thị trường tài chính, khiến một bộ phận nhà đầu tư đứng ngoài cuộc.

Các ngân hàng lớn nhất tại ASEAN đều nằm ở Singapore, bao gồm DBS Group Holdings, OCBC và United Overseas Bank (UOB), đều đang đối mặt với những khó khăn nhất định.

OCBC hôm 24/2 cho biết, trong quý cuối cùng của năm 2022, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này đã giảm 42% so với cùng kỳ, xuống còn 615 triệu đô la Singapore (456 triệu USD), dù lãi suất cao ngất ngưởng đã giúp họ đạt được lợi nhuận ròng 1,3 tỷ đô la Singapore, tăng 34%.

Trước đó một ngày, UOB công bố báo cáo cho thấy thu nhập ròng từ phí của ngân hàng này chỉ đạt 485 triệu đô la Singapore, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý IV/2022. Cũng giống như OCBC, lợi nhuận ròng của UOB vẫn mạnh mẽ nhờ lãi suất tăng, đạt 1,15 tỷ đô la Singapore trong kỳ, tăng 13%.

Lee Wai Fai, Giám đốc tài chính của UOB cho biết: “Phí quản lý tài sản vẫn ở mức thấp trong quý này do tâm lý thị trường yếu. Khách hàng bị thu hút bởi loại tài sản tương đối an toàn hơn trong bối cảnh thị trường bấp bênh”.

DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tính theo tổng tài sản, hồi đầu tháng này đã báo cáo về sự suy yếu của hoạt động ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Trong quý cuối năm ngoái, thu nhập ròng từ phí và hoa hồng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 661 triệu đô la Singapore.

Tình trạng giảm sút thu nhập từ phí cũng được nhìn thấy ở các ngân hàng của Thái Lan, theo báo cáo được công bố hồi tháng 1 của CreditSights, khảo sát kết quả kinh doanh của Bangkok Bank, Siam Commercial Bank, Kasikornbank, Krung Thai Bank và TMBThanachart Bank.

Theo CreditSights, trong quý cuối cùng của năm 2022, thu nhập ngoài lãi của Siam Commercial Bank đã giảm xuống còn 8,91 tỷ baht (256 triệu USD) từ 12,04 tỷ baht một năm trước đó. Trong khi đó, Bangkok Bank ghi nhận con số giảm xuống 6,43 tỷ baht từ mức 10,21 tỷ baht của cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng còn lại cũng chịu áp lực tương tự.

“Thu nhập ngoài lãi đã giảm ở gần như tất cả 5 ngân hàng từ 2% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm là do doanh thu từ môi giới và quản lý tài sản giảm, đồng thời thu nhập từ mảng giao dịch và đầu tư cũng suy yếu do tỷ giá tăng cao và điều kiện thị trường kém”, CreditSights lưu ý.

Tuy nhiên, các ngân hàng Thái Lan vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 56% trong năm 2022 nhờ thu nhập lãi cao hơn,  CreditSights cho biết.

Chất lượng tài sản suy yếu trong môi trường lãi suất cao

Giorgio Daher, Giảng viên tại Trường Kinh doanh EM Normandie của Pháp, cho biết: “Về lâu dài, châu Á và đặc biệt là ASEAN sẽ là những thị trường tăng trưởng hấp dẫn đối với mảng ngân hàng tư nhân, quản lý tài sản cũng như ngân hàng đầu tư. Một số ước tính cho thấy, đến năm 2025, số tài sản được quản lý tại thị trường này sẽ tăng gấp đôi so với năm 2021”.

Mặc dù vậy, sức mạnh hiện có của một số ngân hàng Đông Nam Á có thể bị hạn chế bởi rủi ro từ các khoản nợ khó đòi. Trong một báo cáo hồi tháng 1, Fitch Ratings cảnh báo rằng việc tăng lãi suất tại khu vực này trong năm 2022 và 2023 sẽ làm suy yếu chất lượng tài sản trên hầu hết các hệ thống ngân hàng ASEAN.

“Sự suy giảm nhẹ về chất lượng tài sản mà chúng tôi dự đoán trong năm 2023 phần lớn phản ánh tác động trễ của chính sách tăng lãi suất trong năm 2022. Lãi suất có thể sẽ tăng thêm trong năm nay ở cả 6 thị trường ngân hàng chính của ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam), làm trầm trọng thêm những tác động này”, Fitch cho biết thêm.

Tuy nhiên, Fitch nhận thấy rằng áp lực lạm phát ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã giảm bớt hơn so với ở châu Âu hoặc Mỹ, làm giảm yêu cầu phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn.

“Điều này, cùng với triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong nước mạnh mẽ và thị trường việc làm ổn định, sẽ giúp hạn chế áp lực về chất lượng tài sản. Chúng tôi tin rằng hầu hết hệ thống ngân hàng tại ASEAN đủ bộ đệm hấp thụ tổn thất để vượt qua các cú sốc tiêu cực”, Ficth đánh giá.

Bên cạnh đó, sau hơn hai năm thực hiện các chính sách phong toả khắc nghiệt để ngăn chặn COVID-19, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã làm dấy lên kỳ vọng về dòng vốn mới từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào phần còn lại của châu Á. OCBC đã chớp lấy cơ hội để định vị mình cho nhiều hoạt động kinh doanh hơn.

Helen Wong, Giám đốc điều hành của OCBC cho biết: “Việc Trung Quốc mở cửa trở lại tiếp tục giúp dòng chảy Trung Quốc - ASEAN lớn mạnh hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường mạng lưới và sự hiện diện, bao gồm cả việc xây dựng bộ phận kinh doanh liên quan đến Trung Quốc mạnh mẽ hơn”.

Theo Asia.nikkei.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan