A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

7 dự án giao thông lớn hoàn thành, đường cao tốc cả nước đạt mốc hơn 2.000 km

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), năm 2024, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 7 dự án đường bộ, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước lên 2.021 km.

Bộ cũng cho biết đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025.

Dưới đây là 7 dự án trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2024:

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Ngày 28/4, Bộ GTVT khánh thành, đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn từ Diễn Châu đến nút giao quốc lộ 46B, qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An).

Cao tốc nối Nghệ An và Hà Tĩnh dài hơn 49 km, được khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, kết nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.

7 dự án giao thông lớn hoàn thành, đường cao tốc cả nước đạt mốc hơn 2.000 km- Ảnh 1.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Điểm cuối dự án tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc nút giao nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Đoạn qua Nghệ An dài 44,4 km, qua Hà Tĩnh dài 4,9 km.

Tuyến đường cùng với quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu tạo trục dọc xuyên suốt từ cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) đến thành phố Vinh (Nghệ An) với tổng chiều dài 280 km. Công trình góp phần rút ngắn thời gian từ Hà Nội về thành phố Vinh từ hơn 5 tiếng nếu đi quốc lộ 1 xuống 4 tiếng.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Đây là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng kinh phí 8.925 tỷ đồng.

7 dự án giao thông lớn hoàn thành, đường cao tốc cả nước đạt mốc hơn 2.000 km- Ảnh 2.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Tuyến qua địa phận thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa); các huyện Thuận Bắc, Bắc Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam (Ninh Thuận) và huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có chiều dài 78,5 km, quy mô nền đường 17 m. 4 làn xe không có làn khẩn cấp (chỉ có điểm dừng khẩn cấp cách 4-5 km), vận tốc tối đa 90 km/h.

Dự án có điều đầu tại nút giao Cam Ranh (tiếp giáp điểm cuối tốc Nha Trang - Cam Lâm) và điểm cuối gần nút giao Vĩnh Hảo (điểm đầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là đoạn cao tốc cuối nối TP.HCM với Nha Trang, cùng với 4 đoạn đã hoàn thành trước đó, giúp rút ngắn thời gian chặng này chỉ còn 4-5 giờ, giảm một nửa thời gian so với chạy quốc lộ 1.

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Dự án cầu vượt tại nút giao Mai Dịch thuộc dự án Vành đai 3 trên cao Nam Thăng Long - Mai Dịch (Hà Nội), có tổng mức đầu tư 342 tỷ đồng được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 6/5.

7 dự án giao thông lớn hoàn thành, đường cao tốc cả nước đạt mốc hơn 2.000 km- Ảnh 3.

Dự án cầu vượt Mai Dịch. (Ảnh: Viên Minh)

Cầu Mai Dịch mới được xây dựng chạy dọc hai bên cầu Mai Dịch cũ có kết cấu dầm thép bản mặt bê tông cốt thép liên hợp. Người đi bộ, đi xe đạp, xe thô sơ bị cấm lên cầu.

Sau khi cầu thông xe, cầu vượt Mai Dịch cũ được tách thành trục cao tốc, kết nối với vành đai 3 trên cao. Tốc độ lưu hành cho phép đối với phương tiện trên cầu Mai Dịch cũ (đường cao tốc) và cầu vượt mới tối đa 60 km/h.

Dự án quốc lộ 37 Hải Phòng giai đoạn 1

Dự án cải tạo, nâng cấp QL 37 có chiều dài đoạn tuyến 11,627 km, trên tuyến có 2 cây cầu và 5 nút giao. Điểm đầu trên địa bàn xã Cao Minh, kết nối với đường dẫn dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa. Điểm cuối đến trên địa bàn xã Vĩnh Long, kết nối với QL.37 đi tỉnh Hải Dương. Công trình được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021.

Diện tích sử dụng đất khoảng 39,8 ha, trong đó giải phóng mặt bằng bổ sung khoảng 4,5 ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 628 tỷ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án nối quốc lộ 19 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên

Sau 2 năm thi công, Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng chính thức khánh thành vào ngày 16/6.

Dự án là một công trình lớn, trọng điểm của Bộ GTVT và nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án Kết nối đồng bằng Mekong, đi qua huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và TP Long Xuyên (tỉnh An Giang).

Dự án có chiều dài tuyến xây dựng mới là 15,3km và đoạn nâng cấp cải tạo Quốc lộ 80 với chiều dài khoảng 2km. Tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2C Tuyên Quang

Dự án có tổng chiều dài hơn 27 km được đầu tư với vận tốc thiết kế 60km/h, với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án nhằm từng bước hoàn thiện Quốc lộ 2C theo quy hoạch, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Tuyên Quang đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A Hà Tĩnh

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đoạn Km37 - Km85+300, tỉnh Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 1.662 tỷ đồng. Dự án bao gồm 12 gói thầu xây lắp, được triển khai từ năm 2014.

Việc sớm hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8A có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi với chiều dài hơn 80 km, đây không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Hà Tĩnh mà còn là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc giao thương với nước Lào cũng như một số nước trong khu vực thông qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết