A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” - khí chất, hào hoa, tinh tế

Triển lãm mỹ thuật mang tên “Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” tại Tòa nhà di sản 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do UBND quận Hoàn Kiếm, Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức. Hoạt động đã toát lên khí chất và tinh thần người Hà Nội: Hào hoa, tinh tế, yêu thiên nhiên.

Tinh thần và khí chất người Hà Nội

Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ký Hiệp định Genève và tiếp quản Thủ đô (1954 - 2024), mở cửa đến hết ngày 10/6.

Hoạt động này là một hoạt động văn hóa đầu tiên được tổ chức tại tòa nhà di sản 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, tòa biệt thự có kiến trúc Đông Dương vừa được thành phố trùng tu để trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội.

“Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” - khí chất, hào hoa, tinh tế

Không gian triển lãm "Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc"

Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm hội họa với 2 chủ đề chính là “Người Hà Nội” và “Qua miền Tây Bắc” của 20 họa sĩ, trong đó có nhiều họa sĩ tên tuổi như: Công Quốc Hà, Lê Anh Vân, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng, Trần Tuyết Mai, cùng các họa sĩ đương đại Nguyễn Văn Cường, Mai Xuân Oanh, Lê Bá Cầu, Nguyễn Huyền, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Minh, Lê Trần Hậu Anh, Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Đức, Lê Đức Tùng, Hải Kiên…

Đặc biệt tham gia triển lãm có hoạ sĩ Pháp Dominique De Miscault với 3 tác phẩm sáng tác nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoạ sĩ đã kết hợp phong cách vẽ trừu tượng làm nổi bật hình ảnh các trang phác thảo văn học viết về Điện Biên Phủ của nhà văn thiếu tướng Hồ Phương.

Tác phẩm tham gia triển lãm

Nậm Nghiệp mùa xuân về - tranh sơn dầu của Nguyễn Văn Đức

Với tình bạn hơn 15 năm cùng họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ, tác giả "Con đường gốm sứ Thăng Long Hà Nội" và là cháu gái nhà văn thiếu tướng Hồ Phương, hoạ sĩ Dominique De Miscault đã sáng tác 30 tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ các trang bản thảo văn học, ký họa chiến tranh và các cuốn sách đã xuất bản của nhà văn thiếu tướng Hồ Phương, bày tỏ tình cảm trân trọng đặc biệt của bà với Điện Biên Phủ và Nhân dân Việt Nam.

Đúng như tên gọi của cuộc triển lãm “Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc”, các tác phẩm hội hoạ trưng bày toát lên khí chất và tinh thần người Hà Nội: Hào hoa, tinh tế, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật, gu thẩm mỹ cao và giàu tính sáng tạo, tinh thần cách mạng và lòng dũng cảm, ý chí quật cường…

tác phẩm sơn mài và sơn dầu của hoạ sĩ Công Quốc Hà

Các tác phẩm sơn mài và sơn dầu của họa sĩ Công Quốc Hà

Họ là những người tiên phong giương cao ngọn cờ cách mạng. Đó là chân dung nhà văn thi sĩ Nguyễn Đình Thi với những dòng thơ bất hủ trong Người Hà Nội: “Đây Hồ Tây, Hồng Hà, Hồ Gươm. Đây lắng hồn sông núi ngàn năm…”. Bài thơ ca ngợi Hà Nội và những dấu ấn lịch sử từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài hát cùng tên ra đời năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới chỉ nổ ra được ít ngày, cả Hà Nội lên đường sơ tán theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Hải Kiên đã vẽ chân dung Nguyễn Đình Thi với tình cảm trân trọng ngưỡng mộ qua những nét bút gợi cảm mạnh mẽ. Đó là chân dung nhạc sĩ Phú Quang, tác giả của những ca khúc trữ tình đẹp về Hà Nội được họa sĩ Công Quốc Hà khắc hoạ đầy tình cảm cùng với hình ảnh phố Hà Nội “Ta còn em hàng phố cũ rêu phong. Và từng mái ngói son nghiêng. Nao nao kỷ niệm…”.

Chân dung Nguyễn Đình Thi do hoạ sĩ Hải Kiên thể hiện

Chân dung Nguyễn Đình Thi do họa sĩ Hải Kiên thể hiện

Tình yêu Hà Nội thể hiện trong chân dung các nghệ sĩ gắn bó sáng tác với Hà Nội và trên các tác phẩm hội hoạ trưng bày tại triển lãm. Đó là hồ Gươm, cầu Thê Húc, đền Quán Thánh được vẽ kỳ công trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ của các hoạ sĩ Lê Bá Cầu, Trần Tuyết Mai, Nguyễn Quang Hoan, Đào Hương…

Một Hồ Gươm mờ ảo trong ánh vàng hoàng hôn thơ mộng qua đôi mắt sáng tạo của hoạ sĩ Hồng Việt Dũng. Một hồ Tây xao động trong nắng hanh vàng mùa thu như trong một vũ điệu của lá sen, cành sen, hoa sen đượm sắc vàng trong những nét bút đầy cảm xúc của Lê Đức Tùng.

Gam màu phố phường

Phố Hà Nội được thể hiện độc đáo vừa truyền thống vừa hiện đại trên tranh sơn mài và sơn dầu của họa sĩ Công Quốc Hà. Những nét vẽ khỏe khoắn cô đọng với bảng màu vàng son lộng lẫy của sơn mài hay những gam màu tươi mà trầm ấm của sơn dầu dường như đã khẳng định một phong cách Công Quốc Hà đầy vẻ lịch lãm hào hoa đất Hà thành.

“Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” - khí chất, hào hoa, tinh tế

Một góc nhìn về phố mới mẻ khác của hoạ sĩ Nguyễn Minh cũng gây ấn tượng với người xem bởi những gam màu trầm ánh lên xen kẽ những mái ngói cô đọng như hình ảnh điêu khắc tươi sáng. Chân dung những người Hà Nội trẻ trên phố phường trở nên ngọt ngào qua đôi mắt, làn môi được diễn tả mềm mại qua nét bút tài hoa của họa sĩ Nguyễn Cường trên tác phẩm “Xuống phố”.

Tác phẩm sơn dầu Hoài niệm của Nguyễn Thế Dung gây ấn tượng mạnh đến người xem bởi nỗi trăn trở mà tác phẩm chuyển tải: Con người dù hiện đại và thành công đến đâu cũng không thể quên cội nguồn và truyền thống văn hoá.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng tham quan

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng tham quan

Hình ảnh cổng cổ gợi hình Ô Quan Chưởng hay cánh cổng làng Bắc Bộ như một vầng hào quang được thếp vàng sang quý như bừng sáng ôm lấy bờ vai đương đại với bộ vét được tả thực theo bút pháp phương Tây. Tác phẩm mang đến một ẩn ý hay và ý nghĩa.

Nếu đặt câu hỏi ai yêu và vẽ Tây Bắc đẹp nhất thì có thể công bằng trả lời đó là các hoạ sĩ Hà Nội. Tiếp nối "Nhớ một chiều Tây Bắc" của Phan Kế An với vạt nắng hửng sáng bóng dáng các chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến, thì tại triển lãm người xem được chiêm ngưỡng một "Chiều Tây Bắc" rạng rỡ đỏ son đầy biểu cảm của Bùi Hữu Hùng.

“Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” - khí chất, hào hoa, tinh tế

"Buổi sáng ở bản" và "Vùng cao" là hai bức tranh đẹp và ấn tượng về Tây bắc qua lăng kính sáng tạo của hoạ sĩ kỳ cựu Lê Anh Vân.

Say mê và gắn bó nhiều năm sáng tác ở vùng cao, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đức thể hiện một bút pháp tả thực nhuần nhuyễn tất cả sắc thái thời tiết trong năm tác động lên ánh sáng và phong cảnh vùng Tây Bắc trên các tác phẩm tranh sơn dầu của anh. Không thể không nhắc đến họa sĩ Lê Thế Anh với những bức chân dung các em bé vùng cao đầy cuốn hút thông qua bút pháp tả thực lãng mạn.

Các họa sĩ chụp ảnh lưu niệm tại triểm lãm

Các họa sĩ chụp ảnh lưu niệm tại triểm lãm

Cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại ngôi nhà di sản 49 Trần Hưng Đạo đã được khai mạc cùng một chương trình âm nhạc đặc biệt với các nhạc phẩm gắn bó với Hà Nội trong tiếng dương cầm tha thiết của nghệ sĩ Hoa Ngọc Hà và lời ca của các ca sĩ Minh Minh, Trần Thu Thuỷ với các tác phẩm "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi, "Nhớ về Hà Nội" của Hoàng Hiệp, "Im lặng đêm Hà Nội" của Phú Quang, "Nhớ mùa thu Hà Nội" của Trịnh Công Sơn, "Đường lên Tây Bắc" của Văn An…

“Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” - khí chất, hào hoa, tinh tế

Một cuộc triển lãm thật đẹp và ý nghĩa đúng như tên gọi “Người Hà Nội và Qua miền Tây Bắc” tràn đầy tình yêu, những cảm xúc đẹp và đầy ấn tượng về một Hà Nội lãng mạn và hào hoa, một Tây Bắc hùng vĩ nên thơ và cả hai tràn đầy niềm tự hào.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan