Việt Nam ứng phó thế nào với thuế tối thiểu toàn cầu?
Sau khi Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua vào kì họp tháng 10, thuế tối thiểu toàn cầu có thể áp dụng từ 1/1/2024 tại Việt Nam.
Là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế có độ mở lớn, chủ yếu tiếp nhận đầu tư nước ngoài nên Việt Nam có tham gia hay không tham gia thì vẫn chịu những tác động của các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới.
Việc điều chỉnh chính sách đảm bảo phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu, tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Để ứng phó với tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Đặng Ngọc Minh đưa ra một số đề xuất. Cụ thể, nhanh chóng bổ sung quy định về cơ chế QDMTT (nội luật hoá quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu theo quy chuẩn OECD) để đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam đối với các công ty đa quốc gia đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15%. Chúng ta sẽ dành phần thuế thu thêm đó để có thể phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó.
Thứ hai, giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20%. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam (20%) cao hơn Singapore (17%), tương đương với Thái Lan (20%) và thấp hơn một số nước trong khu vực châu Á và trên thế giới (Trung Quốc 25%; Hàn Quốc 27,5%; Nhật Bản 29,74%; Malaysia 24%; Philippines 25%; Myanma 22%...). Do đó, mức thuế suất pháp định phổ thông 20% tại Việt Nam không cần thiết phải xem xét điều chỉnh.
Thứ ba, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư...
Thứ tư, hoàn thiện chính sách khác ngoài thuế. Cùng với việc xem xét sửa đổi chính sách ưu đãi thuế hợp lý hơn, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về các chính sách ngoài thuế như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp...
Ông Đặng Ngọc Minh cũng cho biết: theo sự chỉ đạo của Chính phủ, trước hết, Bộ Tài chính sẽ chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kì họp tháng 5. Các giải pháp áp dụng ngay trong năm 2024 dự kiến được Quốc hội thảo luận và thông qua vào kì họp tháng 10 năm nay. Dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2024.
Các đơn vị tư vấn cũng kiến nghị, sau khi xây dựng thuế tối thiểu nội địa, để Việt Nam không bị giảm sức hấp dẫn với doanh nghiệp FDI cũng cần sớm có thêm những chính sách ưu đãi khác để bù đắp.
Về chính sách bù đắp, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất chia 2 nhóm nhà đầu tư. Với nhóm doanh nghiệp FDI đang hoạt động, có thể hỗ trợ tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân. Với nhóm nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam từ năm 2024, có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI, tuỳ thuộc các nhóm đầu tư, dự án.
Tuy nhiên, cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi quy định pháp luật liên quan như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế giá trị gia tăng…